Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi tín dụng ngân hàng vẫn “nặng vai"

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lộ trình được quy định trong Thông tư 08/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ ngày 1/10/2023, các ngân hàng sẽ phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn xuống mức 30%, thay vì 34% như hiện tại.

 Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên, việc siết tỷ lệ này là cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Mặc khác, việc cân đối giữa các kênh huy động vốn khác của DN như gọi vốn từ các định chế tài chính nước ngoài, gọi vốn từ các thị trường khác như chứng khoán, trái phiếu DN..., thay vì để một mình tín dụng ngân hàng gánh trĩu vai.

Thực tế, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn không phải là một quy định mới, mà đã được đưa ra từ năm 2020, thực hiện theo lộ trình giảm dần mỗi năm một ít, từ 40% về 30%. Tuy nhiên, tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ này hiện đang ở mức rất thấp từ 15 - 20%.

Điều này khiến hệ thống ngân hàng đứng trước rất nhiều rủi ro. Đó là việc cân đối nguồn vốn trả lãi và gốc khi tiền gửi tiết kiệm đến hạn, trong khi tiền vay của khách hàng lại chưa đến hạn tất toán.

Hiện nay, xu hướng người dân thường gửi tiền kỳ hạn ngắn 1 tháng, 3 tháng và phổ biến nhất là 6 tháng để chủ động các kế hoạch đầu tư của mình. Tuy nhiên, tín dụng ngân hàng thì lại thường có các kỳ hạn dài, 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm.

Theo thông tin từ NHNN, khoảng trên 80% tiền gửi là ngắn hạn, tức là dưới 1 năm, nên không thể cho vay dài hạn quá nhiều. Vốn ngân hàng sẽ chủ yếu phục vụ cho các khoản vay ngắn hạn, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Còn về dài hạn, các DN cần giảm sự phụ thuộc vào vốn vay, đồng thời cần phải đa dạng các kênh huy động vốn khác thông qua thị trường chứng khoán, trái phiếu.

Dù là một quy định hợp lý để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế nhưng việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn cũng đang nhận được một số phản hồi trái chiều. Đơn cử, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh vừa kiến nghị được lùi thời hạn áp dụng quy định này. Bởi không chỉ các dự án bất động sản, với nhu cầu vay vốn trung dài hạn có thể lên tới 50 - 60% tổng đầu tư cho dự án, mà nhu cầu chung của toàn nền kinh tế là rất lớn.
Theo các chuyên gia, tín dụng ngân hàng không thể gánh sức nặng đầu tư của toàn nền kinh tế, mà cần thêm các cột trụ từ thị trường vốn. Khi ngân hàng không còn là kênh dễ dàng nên các DN sẽ chú trọng hơn vào thị trường vốn.

Mặt khác, từ trước đến nay, nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng, nhưng khi thị trường vốn tăng lên sẽ giảm bớt áp lực biến động của nền kinh tế. Điều này gây ra những hệ quả xấu, sự tăng trưởng nóng tại nhiều lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán... tại một vài thời điểm trước đây.

Thực tế này cho thấy, việc nâng cao hiệu quả các kênh huy động vốn của DN, nhằm giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng là cần thiết. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp lành mạnh và nâng cao hiệu quả các kênh huy động vốn khác như trái phiếu DN, thị trường chứng khoán...

Các DN cũng "tự thân vận động" tìm các nguồn vốn giá rẻ, dài hạn từ các định chế tài chính nước ngoài để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số cái tên đã "chốt deal" được nguồn vốn khủng từ các tổ chức nước ngoài gồm VPBank, Techcombank, F88...

Ngoài ra, các DN cũng tìm thêm các kênh huy động vốn trên thị trường quốc tế như Vinfast đánh cồng trên sàn chứng khoán Mỹ. Muốn đa dạng hóa được các kênh huy động vốn, bản thân DN phải nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực quản trị để thuyết phục nhà đầu tư trong và ngoài nước xuống tiền, tìm kiếm nguồn huy động giá rẻ, chất lượng.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng đã có các lộ trình phát triển thị trường trái phiếu, nhằm tạo sự liên kết, cân đối và đồng bộ giữa thị trường tiền tệ, tín dụng và trái phiếu, qua đó, giúp thị trường vốn phát triển lành mạnh, bền vững hơn.