Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước 2 tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt trên 59.998 tỷ đồng, tương đương 8,7% tổng kế hoạch vốn 2024 và đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Có 4 bộ, cơ quan T.Ư và 38 địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, đạt trên mức trung bình của cả nước, ước thanh toán vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 2 vẫn còn 32 bộ, cơ quan T.Ư có tỷ lệ giải ngân là 0%; có 6 địa phương giải ngân thấp dưới 5%. Vẫn còn nhiều vướng mắc cần được khẩn trương tháo gỡ để đạt mục tiêu giải ngân 95% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, vướng mắc liên quan đến công tác phân bổ vốn. Hiện còn khoảng 25.291 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết; bằng 3,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, nguồn vốn ngân sách T.Ư chưa phân bổ chủ yếu dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Lượng vốn này tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm.
Hơn nữa, tháng 2 lại trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đang tập trung rà soát để tổng hợp nhu cầu kéo dài thời hạn thực hiện; đối với vướng mắc liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia, tiến độ giải phóng mặt bằng tại một số dự án còn chậm. Về vật liệu xây dựng cho thi công, việc triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn trong cùng khu vực dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thi công, đặc biệt là vật liệu đất đắp, cát, đá…
Thực tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công diễn ra nhiều năm nay. Đáng nói, đây đều là những vướng mắc bởi nhiều nghịch lý kiểu "tự làm khó mình" và những điểm nghẽn cố hữu.
Bộ Tài chính qua quá trình thực hiện việc kiểm tra, rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đã phát hiện "nhiều đơn vị phân bổ cho một số dự án chưa đủ điều kiện giải ngân”. Lại có nguyên nhân từ khâu chuẩn bị đầu tư yếu kém vì thế mà có tình trạng vốn chờ dự án.
Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật về đầu tư công, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới phát sinh. Tuy nhiên, bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, từ công tác xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân đều có vướng mắc.
Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cần sự vào cuộc đồng bộ và khẩn trương hơn nữa. Khắc phục triệt để nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công. Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương giải quyết dứt điểm công tác GPMB theo tiến độ yêu cầu, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.
Đối với nguồn vật liệu cho thi công, khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công; tiếp tục triển khai ngay các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng “có tiền không tiêu được”, chấm dứt "điểm nghẽn" trong giải ngân vốn đầu tư công, các chuyên gia cho rằng, cần đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Kiên quyết không đầu tư dàn trải, loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn từ dự án không giải ngân được sang dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả.
Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm. Đặc biệt, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện phân bổ và giải ngân đầu tư công.
Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công lớn sẽ tiếp tục tạo áp lực lớn cho việc giải ngân vốn. Khi nguồn vốn đầu tư công được phân bổ, giải ngân chậm sẽ kìm hãm tốc độ phát triển của nền kinh tế. Nếu vào thời điểm đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công được khai thông chắc chắn các con số tăng trưởng kinh tế của cả năm sẽ khả quan hơn.