Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Mỹ trên đà suy thoái?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới phân tích tài chính ngày càng tin vào khả năng xuất hiện một cuộc suy thoái ở Mỹ trong thời gian tới, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994 và các dấu hiệu chi tiêu tiêu dùng yếu đi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNN
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNN

“Nỗi đau ngắn hạn” từ quyết định của Fed?

Fed đã kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ quan trọng hôm 15/6 với quyết định tăng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm - mức tăng lớn nhất trong gần 3 thập kỷ. Chủ tịch Jerome Powell thừa nhận việc tăng lãi suất lần này là “một mức lớn bất thường”, nhưng ông cũng không loại trừ khả năng có thể tăng thêm 3/4 điểm nữa trong cuộc họp tháng 7 tới.

 

Các nhà hoạch định chính sách của Fed trong nhiều tuần qua đã báo hiệu rằng nhiều khả năng cơ quan này sẽ tăng nửa điểm phần trăm vào các cuộc họp tháng 6 và tháng 7, với tốc độ có thể giảm vào tháng 9. Tuy nhiên, kỳ vọng của thị trường đã thay đổi sau khi dữ liệu giá tiêu dùng của Mỹ cao hơn trong tháng 5, được công bố vào tuần trước, dẫn đến mức tăng lạm phát hàng năm lớn nhất trong gần 40 năm qua.

“Giảm lạm phát là quá trình sẽ gây ít nhiều khó chịu, vì công cụ chính sách chủ yếu mà Fed hướng đến là việc hạ nhiệt nhu cầu” - Vox dẫn lời nhà kinh tế trưởng tại EY-Parthenon, Gregory Daco, nói - “Nếu Fed có động thái quản lý để hạ nhiệt nhu cầu thì sẽ có ít áp lực về giá hơn. Nhưng về cơ bản, việc hạ nhiệt nhu cầu sẽ lại khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn”.

Ông Daco lý giải thêm: “Khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu, đến lãi suất dài hạn, chênh lệch trái phiếu DN, sự biến động giá trị của đồng USD, và đến một số biện pháp tài chính”.

Các công ty được cho sẽ trở nên e dè hơn trong việc đầu tư và thuê nhân công khi tín dụng trở nên đắt hơn, chi phí vốn chủ sở hữu tăng và môi trường trở nên biến động hơn. Nói một cách dễ hiểu, ý tưởng giảm lạm phát của Fed là làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và làm chậm quá trình mở rộng kinh doanh bằng cách tăng chi phí trong các lĩnh vực khác, mà cụ thể ở đây là vay và cho vay.

Một số quan điểm tin rằng, các vấn đề ngắn hạn này sẽ là đáng giá nếu xét đến những tác động lâu dài. Tara Sinclair - nhà kinh tế học, đồng thời là Phó Giáo sư kinh tế và các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington - nói: “Chúng ta phải chịu đựng nỗi đau ngắn hạn này của nền kinh tế để kiểm soát lạm phát trở lại”.

Bà Tara lập luận, nếu Fed không tăng lãi suất và kiểm soát kỳ vọng lạm phát, rủi ro là giá cả sẽ tiếp tục tăng theo hình xoắn ốc: Người lao động cũng sẽ yêu cầu mức lương cao hơn, các công ty sẽ tăng giá để trả những mức lương đó.

“Nhiệm vụ của ngân hàng trung ương hiện nay là ngăn chặn “chu kỳ diệt vong” đó xảy ra, và cố gắng giữ cho lạm phát cao không trở nên cố hữu” - nữ chuyên gia nói với Vox - “Sau đó, trong tương lai, chúng ta có thể có một môi trường ổn định hơn nhiều, với việc giá cả sẽ tăng khoảng 2% mỗi năm… Đó là một môi trường tốt hơn cho nền kinh tế nói chung và các DN muốn có sự chắc chắn như vậy”.

Các dự báo ảm đạm

Trong khi chứng khoán đã tăng điểm trở lại sau thông báo hôm 15/6 với hy vọng rằng Fed sẵn sàng dốc toàn lực để chống lại lạm phát kỷ lục tại Mỹ, không nhiều người tin rằng việc bán tháo sâu trên thị trường có thể đảo chiều, ít nhất là cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng về lạm phát giảm. Tính đến thời điểm viết bài, chỉ số S&P đã giảm 22,2%, đưa Phố Wall vào cái mà các nhà đầu tư gọi là “thị trường gấu”. Lần gần nhất S&P bước vào “thị trường gấu” là vào tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.

Julian Brigden, đồng sáng lập và Chủ tịch của Macro Intelligence 2 Partners - một công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu - nhận định với Reuters rằng lập trường của Fed không nên được coi là dấu hiệu tích cực đối với các tài sản rủi ro. Ông nói: “Nó cực kỳ “diều hâu”, và với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp trong SEP (tóm tắt các dự báo kinh tế), đó có thể là một dấu hiệu rõ ràng về khả năng xảy ra suy thoái”.

Doanh số bán lẻ của Mỹ giảm lần đầu tiên trong 5 tháng hồi tháng 5 vừa qua do giá cao hơn tác động vào túi tiền của người tiêu dùng. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã báo cáo mức tăng lên cao nhất trong 5 tháng vào tuần trước. CNBC dẫn lời chiến lược gia đầu tư tài chính của Bank of America, Michael Hartnett, nói: “Chúng ta (Mỹ) có thể không nhận ra việc đã ở trong tình trạng suy thoái về mặt kỹ thuật”.

Việc tăng lãi suất mới nhất cũng đi kèm với việc hạ cấp triển vọng kinh tế của Fed, khi tốc độ tăng trưởng của Mỹ hiện đang chậm lại ở mức thấp hơn xu hướng 1,7% trong năm nay. Các nhà phân tích đã tranh luận về việc liệu Fed có “hạ cánh cứng” bằng cách đưa nền kinh tế vào suy thoái khi tăng lãi suất, hay liệu cơ quan này có thể làm giảm lạm phát trong khi vẫn duy trì được sức mạnh cho thị trường lao động - nghĩa là một “hạ cánh mềm”.

Ngân hàng Wells Fargo hiện dự báo một “cuộc suy thoái nhẹ” có thể sẽ bắt đầu từ giữa năm 2023, khi lạm phát trở nên cố định hơn trong nền kinh tế và ăn sâu vào sức chi tiêu của người tiêu dùng, cũng như khi Fed thực hiện các bước mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề này.

Các ngân hàng khác đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái gia tăng tại Mỹ bao gồm Deutsche Bank và Morgan Stanley. Trong khi đó, Moody's Analytics cho rằng cơ hội “hạ cánh mềm” đã thấp hơn: “Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất cho đến khi các nhà hoạch định chính sách phá vỡ lạm phát, nhưng rủi ro là họ cũng phá vỡ nền kinh tế”.

Suy thoái có thể đồng nghĩa với việc gây thêm nhiều đau đớn cho một thị trường chứng khoán vốn đã bị vùi dập. Dữ liệu từ Bespoke Investment Group cho thấy, “thị trường gấu” đi kèm với suy thoái có xu hướng dài hơn và dốc hơn, với mức giảm trung bình khoảng 35%. Kịch bản này càng trở nên ám ảnh khi thị trường chứng khoán Mỹ, với cú sụt giảm đồng loạt ở các chỉ số hôm 13/6 vừa qua, đã mất tất cả những gì nó đạt được kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.

Giữa bối cảnh này, một đoạn clip cũ về màn tranh luận trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 giữa cựu Tổng thống Donald Trump với đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden đã được dẫn lại, trở nên xôn xao trên các kênh truyền thông xã hội. Trong đó, ông Trump tuyên bố thị trường chứng khoán “sẽ sụp đổ” nếu ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ.

 

"Chúng ta (Mỹ) có thể không nhận ra việc đã ở trong tình trạng suy thoái về mặt kỹ thuật" - Chiến lược gia đầu tư tài chính của Bank of America, Michael Hartnett