Kịch bản 1: Xung đột giới hạn ở Dải Gaza
Xung đột ở Trung Đông có thể gây chấn động khắp thế giới vì khu vực này là nguồn cung cấp năng lượng và là tuyến đường vận chuyển quan trọng. Bloomberg Economics đã xem xét tác động của cuộc đụng độ nổ ra hôm 7/10 vừa qua có thể xảy ra đối với tăng trưởng và lạm phát toàn cầu theo 3 kịch bản, mà đầu tiên là khi sự thù địch chủ yếu vẫn giới hạn ở Dải Gaza và Israel.
Trở lại năm 2014, vụ Hamas bắt cóc và sát hại 3 người Israel là nguyên nhân gây ra cuộc xâm lược trên bộ vào Dải Gaza khiến hơn 2.000 người thiệt mạng. Giao tranh không lan rộng ra ngoài lãnh thổ Palestine và tác động của nó đến giá dầu - cũng như nền kinh tế toàn cầu - là không đáng kể.
Số người chết trong gần 2 tuần qua đã cao hơn thế. Tuy nhiên, tác động của cuộc xung đột hiện tại có thể lặp lại câu chuyện năm 2014, khi nó kết hợp với việc Mỹ dường như đang nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Iran.
Tehran đã tăng sản lượng dầu lên tới 700.000 thùng/ngày trong năm nay, sau khi việc trao đổi tù nhân và giải tỏa tài sản báo hiệu sự tan băng trong quan hệ với Washington. Nếu những thùng đó biến mất dưới áp lực của Mỹ, Bloomberg Economics ước tính giá dầu sẽ tăng từ 3 - 4 USD.
Tác động đến nền kinh tế toàn cầu theo kịch bản này được cho sẽ là rất nhỏ, đặc biệt nếu Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bù đắp được lượng dầu thiếu hụt của Iran bằng công suất dự phòng của họ.
Trong một cuộc phỏng vấn tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Maroc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà không nhận thấy dấu hiệu của “những tác động kinh tế lớn” ở giai đoạn này. Bà Yellen nói: “Điều vô cùng quan trọng là xung đột không lan rộng”.
Kịch bản 2: Cuộc chiến ủy nhiệm
Vậy nếu chiến tranh lan rộng hơn thì sao? Hezbollah - một đảng chính trị và lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn, có vai trò hùng mạnh ở Lebanon - đã đấu súng với lực lượng Israel ở biên giới và cho biết họ đã tấn công một đồn quân đội Israel bằng tên lửa dẫn đường. Nếu xung đột lan sang Lebanon và Syria, nơi Iran cũng hỗ trợ các nhóm vũ trang, nó thực sự sẽ biến thành một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Iran và Israel - và tổn thất kinh tế sẽ tăng lên.
Yair Golan - cựu Phó Tham mưu trưởng quân đội Israel - nhận định: “Iran và Hezbollah đang theo dõi và đánh giá tình hình. Nếu Hezbollah quyết tham chiến, thời điểm có thể là sau khi bắt đầu chiến dịch trên bộ ở Gaza”.
Sự leo thang trên các tuyến đường này sẽ làm tăng khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran, có khả năng khiến giá dầu tăng cao. Trong cuộc chiến tranh Israel - Hezbollah ngắn ngủi nhưng đẫm máu hồi năm 2006, dầu thô đã tăng 5 USD/thùng.
Căng thẳng cũng có thể gia tăng trong khu vực rộng lớn hơn. Ai Cập, Lebanon và Tunisia đều đang sa lầy trong tình trạng trì trệ kinh tế và chính trị. Phản ứng của Israel trước cuộc tấn công của Hamas đã gây ra các cuộc biểu tình ở một số quốc gia trong khu vực. Việc lặp lại Mùa xuân Ả Rập - một làn sóng phản kháng và nổi dậy lật đổ các chính phủ vào đầu những năm 2010 - được cho không phải là điều không có khả năng.
Tác động kinh tế toàn cầu trong kịch bản này đến từ 2 “cú sốc”: Giá dầu tăng 10% và động thái né tránh rủi ro trên thị trường tài chính giống như những gì đã xảy ra trong Mùa xuân Ả Rập. Trên thực tế, chỉ số VIX - một thước đo được sử dụng rộng rãi để tránh rủi ro - đã tăng 8 điểm.
Điều này ước tính sẽ cộng thêm lực cản 0,3% đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm tới - tương đương khoảng 300 tỷ USD sản lượng bị mất - làm chậm tốc độ xuống còn 2,4%. Ngoài cuộc khủng hoảng Covid-19 năm 2020 và cuộc suy thoái toàn cầu năm 2009, đó sẽ là mức tăng trưởng yếu nhất trong 3 thập kỷ.
Giá dầu cao hơn cũng sẽ làm tăng thêm khoảng 0,2% vào lạm phát toàn cầu - giữ ở mức gần 6% và duy trì áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi tăng trưởng gây thất vọng.
Kịch bản 3: Chiến tranh Iran - Israel
Xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel hiện vẫn còn là một kịch bản ít có khả năng, nhưng lại vô cùng nguy hiểm, được xem là tác nhân gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Giá dầu tăng cao và tài sản rủi ro sụt giảm sẽ giáng một đòn đáng kể vào tăng trưởng và khiến lạm phát tăng cao hơn.
Hasan Alhasan, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, bình luận: “Không một ai, kể cả Iran, muốn thấy xung đột Hamas - Israel leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực. Nhưng nói vậy không có nghĩa là điều đó sẽ không xảy ra. Giữa “nước sôi lửa bỏng”, khả năng tính toán sai lầm là rất lớn”.
Israel từ lâu đã coi tham vọng hạt nhân của Iran là một mối đe dọa hiện hữu. Các động thái của Tehran nhằm xây dựng liên minh quân sự với Nga, khôi phục quan hệ ngoại giao với Ả Rập Saudi và quan hệ suôn sẻ với Mỹ gần đây đã làm tăng thêm sự lo lắng ở Tel Aviv. Israel và Mỹ cũng đã gửi đi những thông điệp trái chiều về vai trò của Iran trong vụ tấn công của Hamas hôm 7/10.
Nhận định về một cuộc đối đầu giữa Israel và Iran, chuyên gia Alhasan cho rằng “Tehran có thể sẽ tìm cách kích hoạt toàn bộ mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm và đối tác của mình ở Syria, Iraq, Yemen và Bahrain. Đó sẽ là một danh sách dài các mục tiêu cứng và mềm của phương Tây trong khu vực”.
Và trong kịch bản này, căng thẳng giữa các siêu cường gia tăng sẽ làm tăng thêm tình trạng bất ổn. Mỹ là đồng minh thân cận của Israel, trong khi Trung Quốc và Nga đang tăng cường quan hệ với Iran. Các quan chức phương Tây cho biết họ lo ngại rằng Trung Quốc và Nga sẽ lợi dụng cuộc xung đột để chuyển hướng sự chú ý và nguồn lực quân sự khỏi các điểm nóng khác trên thế giới, bao gồm Ukraine.
Với khoảng 1/5 nguồn cung dầu thế giới đến từ vùng Vịnh, giá sẽ tăng vọt nếu Israel và Iran thực sự nã tên lửa vào nhau. Giá dầu thô được dự báo có thể sẽ không tăng gấp 4 lần như năm 1973 - khi các quốc gia Ả Rập áp đặt lệnh cấm vận để trả đũa việc Mỹ hỗ trợ Israel trong cuộc chiến năm đó, nhưng có thể tăng tương ứng với những gì đã xảy ra sau cuộc xâm lược Kuwait năm 1990 của Iraq.
Mức tăng đột biến này hiện có thể đưa giá dầu lên tới 150 USD/thùng. Năng lực sản xuất dự phòng ở Ả Rập Saudi và UAE được tin cũng không cứu vãn được tình thế nếu Iran quyết định đóng cửa eo biển Hormuz, nơi mà 1/5 nguồn cung dầu hằng ngày của thế giới đi qua. Cũng sẽ có một sự chuyển dịch né tránh rủi ro cực đoan hơn trên thị trường tài chính - có thể ngang với mức tăng 16 điểm của VIX vào năm 1990.
Dựa vào những con số trên, mô hình của Bloomberg Economics dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 1% - khiến con số cho năm 2024 giảm xuống còn 1,7%. Một lần nữa, bỏ qua cú sốc Covid-19 và khủng hoảng tài chính toàn cầu, đây cũng sẽ là mức tăng trưởng tồi tệ nhất kể từ năm 1982 - giai đoạn mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát từ cú sốc dầu mỏ trong những năm 1970.
Một cú sốc dầu lớn như thế này cũng sẽ làm chệch hướng nỗ lực kiềm chế giá cả trên toàn thế giới, khiến lạm phát toàn cầu ở mức 6,7% trong năm tới. Tại Mỹ, mục tiêu 2% của Fed sẽ nằm ngoài tầm với, và giá xăng đắt đỏ sẽ là trở ngại cho chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của Tổng thống Joe Biden.