Lễ hội Countdown như một lời hẹn tự bao giờ đã nối vòng tay Hà Nội, Việt Nam với bạn bè thế giới để hòa chung niềm vui đón chào năm mới. Thế mới thấy, sự giao thoa, hội nhập và tiếp biến văn hóa thật diệu kỳ!
Chẳng phải đến tận hôm nay, mà ngay từ đầu tháng 12, Hà Nội đã nuôi cảm giác xôn xao, khấp khởi đón Giáng sinh và Tết “Tây”. Dãy phố Hàng Mã rực rỡ sắc màu Noel với đủ loại thông, trang phục, đồ trang trí Giáng sinh. Hình như sắc màu bắt đầu đó mà lan đi, rồi ngự trị trong những không gian có màu của băng tuyết, song lại ấm áp đến không ngờ. Người ta đã đếm và hình như đã nằm lòng: sau Halloween là đêm Giáng sinh, rồi đến đêm Countdown cùng thế giới đón chào năm mới.
Chứng kiến nhịp sống sôi động mà vẫn trầm tư nơi Hà thành gần 2 thập kỷ nay mới thấy sự hiện diện ngày càng rạng rỡ của các lễ hội “Tây” trong lòng TP. Còn nhớ một thời, cây thông Noel chỉ thấp thoáng ở các nhà thờ lớn trong TP hay những khách sạn 5 sao như Metropoles, Hilton, Fotuna… khi mùa Giáng sinh về.
Nay thì thông ngập tràn phố xá, lung linh nơi sảnh các trung tâm thương mại, các nhà sách, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, các quán cà phê… Thông bước cả vào không gian quy củ của văn phòng làm việc, bước cả vào không gian ấm cúng, riêng tư của gia đình. Xanh và đỏ, tuần lộc và ông già Noel cứ rộn rã khắp các ngõ phố, con đường TP.
Người lớn nói chuyện Noel, mua quà Noel tặng con trẻ; thanh niên hẹn hò nhau các bữa tiệc đêm Giáng sinh; trẻ con khấp khởi chờ quà từ ông già Noel mũ đỏ. Nghĩa là đêm Giáng sinh nhiệm màu không còn là lễ hội của riêng người Công giáo, của trời Tây xa xôi, mà đã là một phần của cuộc sống đô thị ở Hà Nội.
Còn nhớ độ nào, người ta hay kể cho nhau nghe hoặc biết qua truyền hình về những nhân vật cổ tích, hoạt hình, truyền thuyết trong các lễ hội hóa trang diễn ra cách Hà Nội cả trăm dặm đường. Còn nhớ độ nào, giới trẻ lao xao với nhau về đêm Halloween lác đác được tổ chức trong các khách sạn lớn.
Nay thì cứ độ tháng 10 mỗi năm, phố Hàng Mã và các cửa hàng bán đồ chơi trong TP lại lúc lỉu những thứ đồ cosplay. Ngày 30 hay 31/10, thì thể nào cũng bắt gặp những ông bà quý tộc, những quả bí đỏ, những công chúa, hoàng tử… từ đường phố bước chân vào lễ hội nơi khách sạn, nhà hát và cả trường học. Các không gian Halloween không còn xa lạ với người Hà Nội đương đại, mà như đã là một “điểm hẹn” của lễ hội trong năm.
Còn Countdown nữa, nhớ năm nào lần đầu tiên Heineken mang không khí lễ hội đếm ngược chào năm mới từ Quảng trường Thời đại (New York, Mỹ) về Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội), giới trẻ như vỡ òa trong không gian mang tính cộng đồng tuyệt vời.
Giờ thì Countdown đến hẹn lại lên, Countdown là một phần trong đời sống của giới trẻ Hà thành. Bữa tiệc Countdown ở Hà Nội năm nay mở ra trong không gian Quảng trường Cách mạng Tháng Tám với sân khấu 4 mặt, kết nối ánh sáng độc đáo. Diva Mỹ Linh, Rapper Blacka, DJ Quintino, JustaTee và nhiều tên tuổi khác cùng thiết kế bữa tiệc âm nhạc không giới hạn, từ những giai điệu sôi động cho đến những bản hòa nhạc tinh tế. Và Hà Nội không chỉ có riêng một lễ hội đếm ngược đó, mà một sân khấu cho phút giao thừa Tết “Tây” nữa sẽ mở màn lúc 20h30 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Lễ hội “Tây” trong lòng Hà Nội rõ là đã tạo ra một không gian sinh hoạt cộng đồng náo nhiệt, một góc sống hướng ngoại cho người Hà thành vốn thâm trầm, hướng nội. Nó chính là sản phẩm của quá trình hội nhập quốc tế, giao lưu, tiếp biến văn hóa, góp thêm sắc màu cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, bởi mỗi một lễ hội khi du nhập vào Việt Nam đều chuyên chở theo những câu chuyện và ý nghĩa nhân văn phía sau đó.
Giáng sinh để kỷ niệm Chúa Giê-su ra đời với lòng biết ơn sâu sắc, Halloween xuất phát từ ý nghĩa nhằm xua đuổi những điều không lành, không may mắn trong cuộc sống… Vì thế mà lan tỏa đi thông điệp sống tích cực, sống lành, khiến ai nấy trong những ngày này đều được nhắc nhở về lòng biết ơn, tình yêu, niềm hy vọng.
Chỉ có điều, trong quá trình hội nhập văn hóa, các lễ hội “Tây” đến Hà Nội mang theo cả điều thú vị, sâu sắc, song cũng chứa đựng cả những mặt trái khi dần bị biến tướng, lạm dụng. Ấy là sự thương mại hóa, là sự biến tướng của việc tặng quà, là hệ quả có thể xảy đến ở chốn tập trung đông người...
Người lo xa còn dẫn chứng “hiệu ứng domino” từng xảy ra ở đêm lễ hội Halloween tại Seoul Hàn Quốc năm 2022. Các lễ hội “Tây” còn mang đến cả dấu hỏi đầy lo lắng: liệu có làm ảnh hưởng, làm lu mờ nét văn hóa truyền thống của vùng đất ngàn năm?
Tuy nhiên, như một nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ, không phải đến hiện tại, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng mới du nhập lễ hội từ nước ngoài. Thực tế, sự hiện diện của những ngày lễ được gọi một cách dân dã như “bánh trôi, bánh chay”, “giết sâu bọ”... là sản phẩm thú vị của cha ông trong quá trình tiếp biến một số sản phẩm văn hóa từ nước ngoài một cách uyển chuyển, để từ đó giúp người Việt thêm quý trọng tình cảm gia đình, tổ tiên, trân trọng và yêu quý con trẻ...
Các ngày lễ được du nhập từ thời bắt đầu chúng ta mở cửa hội nhập với thế giới. Và văn hóa phương Tây cũng được tiếp biến một cách rất khoan hòa, không bài xích cực đoan, mà được chọn lọc, chuyển hóa lành mạnh để làm phong phú hơn nữa đời sống văn hóa của người Việt...
Nghĩa là, sự hội nhập này không có nghĩa là đầu ra hay đầu vào một chiều, cũng không có nghĩa là nền văn hóa này nhấn chìm nền văn hóa khác. Ngược lại, nó giống như một sự trao đổi văn hóa và học hỏi lẫn nhau, để mọi người tôn trọng và thưởng thức đa dạng văn hóa hơn, tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau.
Như vậy, việc tiếp nhận các sinh hoạt lễ hội từ nước ngoài là điều không xa lạ trong giao lưu tiếp biến văn hóa, song tiếp nhận như thế nào lại là vấn đề khác. Cha ông đã để lại những bài học có giá trị về câu chuyện du nhập lễ hội từ nước ngoài, Hà Nội cũng nức tiếng muôn nơi trong quá trình hội tụ, tiếp thu, dung hòa và lan tỏa tinh hoa văn hóa Thăng Long. Vì thế, lễ hội “Tây” trong lòng Hà Nội cũng cần được kế thừa, sáng tạo để giải quyết tốt bài toán hòa nhập nhưng không hòa tan trong thời đương đại.