So với hai tuyên bố chung đã được đưa ra hồi năm 2016, 2018, tuyên bố chung thứ ba của EU và NATO về hợp tác có khác biệt cơ bản ở chỗ tập trung vào thống nhất quan điểm, phối hợp hành động giữa EU trong tư cách liên minh chính trị, kinh tế, thương mại, tài chính, tiền tệ, luật pháp, xã hội của các nước châu Âu với NATO trong tư cách liên minh quân sự giữa các nước châu Âu, Mỹ, Canada.
Hiện tại, đại đa số thành viên EU và một vài quốc gia châu Âu được EU công nhận làm ứng cử viên gia nhập EU là thành viên của NATO. Sự chồng chéo thành viên này giúp EU và NATO hợp tác với nhau rất dễ dàng, thuận lợi.
Tuy không chính thức, công khai nhưng trong thực chất, EU và NATO đã thực thi sự phân vai hành động trong những chuyện liên quan trực tiếp đến an ninh, ổn định ở châu Âu. Có thể thấy được rõ nhất điều này ở sự đồng hành giữa Eu và NATO trong việc hậu thuẫn Ukraine chiến tranh với Nga cũng như ở chuyện cùng đối phó Nga.
EU và NATO đề cao bản tuyên bố chung thứ ba nói trên về hợp tác song phương là "cấp độ mới" của mối quan hệ đối tác chiến lược. Nếu đúng là như vậy thì nội hàm chính của "cấp độ mới" hiện hữu ở những mục tiêu chiến lược cụ thể, được tập trung ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới bao gồm cùng cạnh tranh địa chiến lược với Nga và Trung Quốc, bảo vệ những hệ thống cơ sở hạ tầng chiến lược có ý nghĩa sống còn đối với các nước thành viên EU, NATO, kể cả ở trong không gian vũ trụ, bao gồm đối phó mọi sự can thiệp chính trị, kinh tế cũng như truyền thông từ bên ngoài, chống biến đổi khí hậu trái đất.
Xem ra, EU và NATO chủ ý biểu lộ ra bên ngoài, đặc biệt cho Ukraine, Nga, Trung Quốc thấy là EU và NATO không còn hợp tác đơn thuần với nhau nữa mà đã thật sự liên thủ với nhau.