Mới đây, liên quan đến việc Bộ VHTT&DL xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT (Nghị định này được xây dựng trên cơ sở Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022), những tranh cãi quanh việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại bùng nổ. Theo đó, Dự thảo Nghị định bổ sung đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” bên cạnh “nghệ sĩ biểu diễn” vẫn được xét tặng lâu nay.
Bài 1: Chuyện cũ chưa thông, chuyện mới đã đến
Hiện nay lĩnh vực văn học, nghệ thuật có 9 hội chuyên ngành. Nhưng đến nay, sau khi Bộ VHTT&DL xin ý kiến các hội về đối tượng xét tặng danh hiệu và điều kiện, tiêu chuẩn, về cách tính thời gian tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật cho đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, ý kiến của các hội chuyên ngành không thống nhất.
Những nỗi âu lo
Đến nay đã có 10 lần xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT. Có một điểm chung, là cứ mỗi mùa xét duyệt lại trở thành đề tài tranh cãi trong dư luận. Cách đây 5 năm, trong đợt xét tặng, việc nghệ sĩ Giang Châu, Minh Vương, Thanh Tuấn bị gạt khỏi danh sách, trong khi các nghệ sĩ xếp sau cả về thâm niên làm nghề và sản phẩm nghệ thuật lại nghiễm nhiên có tên trong danh sách gây xôn xao dư luận, khiến cơ quan quản lý văn hóa Nhà nước phải vào cuộc, xem xét, bỏ phiếu lại cho các nghệ sĩ.
Tranh cãi nhiều kỳ xét tặng danh hiệu khiến nhiều người trong giới nghệ sĩ bày tỏ chưa bao giờ các danh hiệu nghệ sĩ bị giới trong nghề ít được coi trọng như bây giờ, chứ chưa nói chuyện công chúng quan tâm.
Cần sự cân nhắc kỹ lưỡng của cơ quan quản lý, tránh yếu tố nhập nhằng giữa đặc trưng nghề nghiệp, khó phù hợp với danh hiệu được trao tặng. Mong cơ quan Nhà nước sẽ có một giải thưởng hay danh hiệu với tên gọi khác phù hợp hơn, thay vì cứ phải mặc định là NSND, NSƯT.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP Hồ Chí Minh Lê Nguyên Hiều
Mặt khác, một số nghệ sĩ được phong tặng NSND, NSƯT để lại hoài nghi về tài năng đã đành, đáng tiếc hơn là nhiều nghệ sĩ đã có danh hiệu được phong tặng không ý thức được điều ấy. Họ quảng cáo sai sự thật, bình luận, đăng tải phát ngôn trên mạng thậm chí còn dưới cả phông văn hóa chung, chệch chuẩn về đạo đức gây ra bức xúc trong dư luận.
NSƯT Đức Hải với phát ngôn và hình ảnh phản cảm trên mạng xã hội; NSƯT Kiều Thanh với loạt phát ngôn công khai là người thứ ba, cổ vũ đàn ông ngoại tình khi ra nước ngoài; hay trường hợp NSƯT Hồ Hoài Anh với sự việc ở Tây Ban Nha... là những ví dụ điển hình.
Đầu tháng 5 vừa qua, tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy, Trưởng ban soạn thảo, nhấn mạnh, hành lang pháp lý về xét tặng các danh hiệu này trong thời gian qua, bên cạnh hiệu quả thực tế cũng bộc lộ nhiều hạn chế.
Để bảo đảm sự chính xác, khách quan, minh bạch thì điều đầu tiên là cần làm rõ về cách tiếp cận, tiêu chí, tiêu chuẩn xét tặng với những người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, làm căn cứ để triển khai trong thực tiễn.
Làm rõ các tiêu chí
Những năm trước, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho “trường hợp đặc biệt” nhiều vượt trội. Bởi có tình trạng, một số hội đồng lúng túng trong việc xét tiêu chí này. Vì thế, cứ thiếu giải thưởng sẽ được coi là “đặc biệt”.
Xoay quanh “trường hợp đặc biệt”, có ý kiến cho rằng, khái niệm này khá trừu tượng, nhưng nếu bỏ qua tiêu chí này thì nhiều đoàn nghệ thuật ở tỉnh hoặc của Quân đội sẽ rất thiệt thòi, vì họ không có điều kiện tham gia liên hoan, cuộc thi để có huy chương. Do đó, nhiều nghệ sĩ kiến nghị cần lượng hóa “trường hợp đặc biệt”.
Hiện tại có 9 chuyên ngành nghệ thuật thì có 6 chuyên ngành được xét tặng NSND, NSƯT nên khi làm luật, phải có sự công bằng. Nếu ai không thích thì không làm hồ sơ. Bên cạnh đó, việc xét duyệt danh hiệu cũng có hội đồng xét duyệt nhiều cấp nên không sợ chuyện tiêu cực.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông
Mới đây, liên quan đến việc Bộ VHTT&DL xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT (Nghị định này được xây dựng trên cơ sở Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022), những tranh luận quanh việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại diễn ra khi đối tượng xét tặng danh hiệu được bổ sung “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” bên cạnh nghệ sĩ biểu diễn vẫn được xét tặng lâu nay.
Có 6 hội nghề nghiệp không đề xuất nhóm đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gồm: Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Có 3 hội đề xuất nhóm đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hoá nghệ thuật” để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gồm: Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho tác giả kịch bản múa, Hội nhạc sĩ Việt Nam cho nhạc sĩ sáng tác và phối khí, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh và người sáng tác.
Theo các nghệ sĩ việc mở rộng đối tượng xét NSND, NSƯT rất đáng hoan nghênh, ghi nhận xứng đáng cống hiến của từng cá nhân, trong đó bảo đảm quyền lợi “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật”.
Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ băn khoăn về khung xét duyệt cụ thể khi ban hành. Các nghệ sĩ kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn đối với từng trường hợp. Quy chế phải rõ ràng, linh động với mục đích hỗ trợ nghệ sĩ, tránh làm tổn thương và gây ra dư luận trái chiều.
ề đối tượng mới tại dự thảo Nghị định là cá nhân sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật cũng có nhiều ý kiến góp ý. NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đồng tình với quy định về đối tượng là nhạc sĩ sáng tác trong lĩnh vực âm nhạc.
Tuy nhiên với đối tượng tác giả kịch bản múa cần cân nhắc, bởi thực tế có tác giả sáng tạo kịch bản múa nhưng không áp dụng được trên thực tế. Vì vậy, đối tượng này cần được quy định vừa sáng tạo kịch bản vừa đạo diễn trực tiếp trên sản phẩm nghệ thuật đó.
Cũng có những ý kiến không đồng thuận quy định nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh là đối tượng tác giả sáng tạo tác phẩm ở lĩnh vực nhiếp ảnh, bởi đây không phải là nghệ sĩ sáng tác.
Bởi các hội diễn văn hóa hiện nay trong các sân chơi nghệ thuật quần chúng khá nhiều, nếu lấy giải thưởng tại đây để xét tặng sẽ không phân biệt được giá trị giữa các giải thưởng của nghệ sĩ. Như thế sẽ có cả ngàn NSƯT, dần giảm mất giá trị danh hiệu.
Có soạn giả bày tỏ, điều sợ nhất trong việc xét duyệt này là nhiều người có danh hiệu nhưng "Nhân dân không biết mặt, biết tên và bạn nghề không phục", bởi nhiều người chỉ chăm chăm đi hội diễn, liên hoan để kiếm huy chương thì thế nào? Điều này sẽ tạo sự ganh đua không đáng có. Vì thế, cần có những quy định cụ thể, áp dụng riêng cho các soạn giả thì hợp lý hơn.
Khi số lượng huy chương bị mang ra tranh cãi, khi thương hiệu - danh hiệu nghệ sĩ được bàn luận, những nghệ sĩ ở các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc đưa quan điểm về độ nhận diện, sức ảnh hưởng của danh tiếng nên được đưa ra làm tiêu chí xét tặng.
Hội đồng tình với đề xuất mở rộng đối tượng được trao danh hiệu. Tuy nhiên, nhà văn không phải là nghệ sĩ nên Hội Nhà văn đề xuất không xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nhà văn.
Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều
Nếu độ nhận diện, sức ảnh hưởng trở thành tiêu chí, nhiều nghệ sĩ hoạt động trong những lĩnh vực kén khán giả như chèo, tuồng, ca kịch... sẽ thiệt thòi.
Chính bởi sự khác nhau giữa đặc thù các ngành nghệ thuật, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cần dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, trong đó có danh tiếng, sức ảnh hưởng, tài năng, những nỗ lực cống hiến, giải thưởng nhà nghề và cả nhân cách, đạo đức... trong suốt quá trình hoạt động.
(Còn nữa)