Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng chất, tăng giá trị cho gạo Việt

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu gạo đang tăng cả về giá và số lượng, thậm chí có những thời điểm, gạo của Việt Nam có giá trị cao hàng đầu thế giới. Kết quả này đã thể hiện hướng đi đúng của Việt Nam trong việc tăng sản xuất gạo chất lượng cao đi đôi với đa dạng hóa thị trường.


Nâng cao chất lượng

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,9 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Kết quả tích cực trên nhờ giá gạo tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022, bình quân ở mức 517 USD/tấn. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, cơ cấu xuất khẩu gạo đã có những chuyển biến tích cực.

Cụ thể, hiện gạo cao cấp và gạo thơm chiếm khoảng 50% phân khúc gạo xuất khẩu. Đây là định hướng được ngành lúa gạo đề ra trong nhiều năm nay với mục tiêu không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng nhằm tăng giá trị xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo đang tăng cả về giá và số lượng trong thời gian qua. Ảnh: Dũng Minh
Xuất khẩu gạo đang tăng cả về giá và số lượng trong thời gian qua. Ảnh: Dũng Minh

Đề cập về định hướng sản xuất và xuất khẩu gạo trong giai đoạn mới, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng, không chỉ giải bài toán xuất khẩu mà sản xuất gạo trong nước cần có sự chuyển biến sang gạo chất lượng.

Điều này vừa đáp ứng thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu thụ nội địa, vừa là giải pháp giúp nâng cao đời sống cho người trồng lúa tại Việt Nam.

Cụ thể, Cần Thơ đang tập trung xây dựng vùng lúa chất lượng cao, liên kết theo cánh đồng mẫu lớn, với diện tích đạt bình quân 40.000 ha/vụ, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm 95% cơ cấu. Các mô hình sản xuất lúa đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tiêu chuẩn về VietGAP, GlobalGAP.

 

Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030, tỷ trọng gạo có giá trị cao như: gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Đặc biệt, Việt Nam phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt trên 40%.

 

Thực tế cho thấy, để phân khúc xuất khẩu gạo chuyển hướng sang gạo chất lượng cao thì việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất tại các địa phương là giải pháp mang tính mấu chốt.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, sản xuất lúa gạo cần dựa theo thị trường để có định hướng sản xuất, tránh “cung vượt cầu” hoặc rơi vào phân khúc thị trường thứ cấp sẽ ảnh hưởng đến giá trị xuất xuất khẩu.

Nhiều triển vọng tích cực

Về thị trường xuất khẩu, tính đến hết tháng 4, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,4%, đạt 1,29 triệu tấn và 647,5 triệu USD, tăng 40,6% về khối lượng và 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia (gấp 26,3 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (giảm 49,8%).

Đáng chú ý, trong 3 năm gần đây, thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi nên sản lượng đều tăng hằng năm. Cụ thể, năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,15 triệu tấn; năm 2021 tăng lên 6,2 triệu tấn; năm 2022 tăng vọt lên 7,1 triệu tấn và 5 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn.

Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn đánh giá, nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng đang tạo cơ hội để ngành gạo tăng tốc xuất khẩu.

Cả Indonesia và châu Phi đều công bố lượng nhập khẩu tăng đáng kể so với năm trước, bảo đảm dự trữ lương thực quốc gia.

Đơn cử, Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Tương tự, để đáp ứng nhu cầu về gạo ước đạt trên 42,2 triệu tấn trong năm 2023, châu Phi dự kiến nhập khẩu khoảng 17,7 triệu tấn.

Chủng loại gạo nhập khẩu chính của các nước châu Phi bao gồm gạo thơm, gạo trắng và gạo tấm. Nguồn cung cấp gạo chính của châu Phi vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các nước Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam.

Trong báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục vượt 7 triệu tấn, chủ yếu là do nhu cầu từ một số quốc gia châu Á (Trung Quốc, Indonesia..) gia tăng.

Với dự báo này, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo trong năm 2023 sau Ấn Độ (22,5 triệu tấn) và Thái Lan (8,5 triệu tấn), chiếm 12,7% thương mại gạo toàn cầu.

Đẩy mạnh xúc tiến những thị trường mới

Theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng ban hành ngày 26/5 thì đến năm 2030, Việt Nam dự kiến chỉ xuất khẩu 4 triệu tấn gạo, giá trị tương đương khoảng 2,62 tỷ USD.

Điều này có nghĩa Việt Nam muốn tăng đơn giá gạo xuất khẩu bình quân lên 655 USD/tấn. Quan điểm của chiến lược nêu rõ xuất khẩu gạo gắn với phát triển gạo có thương hiệu, nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice trên thị trường thế giới, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với xu hướng nhu cầu, yêu cầu, thị hiếu tiêu thụ của từng thị trường.

Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng ngành sản xuất gạo của đất nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; lấy năng suất, chất lượng là tiêu chí hàng đầu.

Thực tế cho thấy, mặc dù gạo Việt Nam đã được xuất sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, song thị trường vẫn chưa được đa dạng hóa. Hiện châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam, chiếm hơn 60% lượng gạo xuất khẩu; tiếp đến là thị trường châu Phi 22%, châu Mỹ 8%, châu Âu 5% và khu vực khác 5%.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, đối với xuất khẩu gạo hiện nay, ngoài vấn đề thay đổi cơ cấu giống sản xuất, nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ trong phơi, sấy thì thị trường là hạn chế cần sớm được khắc phục.

Để nâng cao sức cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo.

Trong đó, tập trung xây dựng hình ảnh về hạt gạo Việt Nam, quảng bá về nền sản xuất lúa gạo của Việt Nam; đồng thời, giới thiệu những ứng dụng tiên tiến, khẳng định chất lượng gạo Việt.

Tuy nhiên, cùng với chiến lược phát triển của Nhà nước, các DN sản xuất, xuất khẩu gạo cần chung tay kết nối, quảng bá liên kết trong xuất khẩu gạo. Với những tháo gỡ về chính sách, thị trường từ phía Nhà nước và các bộ, ngành các DN cần hoạt động theo mục tiêu chung, trong đó liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất khép kín; mở rộng tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Theo mục tiêu của ngành lúa gạo, đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm khoảng 50%, châu Phi 25%, châu Mỹ 10%, châu Âu 6% và khu vực khác 9%...

Để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã và đang đẩy mạnh xúc tiến đến các thị trường mới như: khu vực châu Phi, Trung Đông, các nước Tây Á, Nam Á, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…

Đây là khối thị trường khá tiềm năng, dù khối lượng gạo tiêu thụ có thể không lớn bằng các thị trường truyền thống, song đây là thị trường tiêu thụ các loại gạo cao cấp. Điều này sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam.

 

Mặc dù không phải là địa phương có lượng xuất khẩu gạo lớn, song những năm qua, Hà Nội đã có những chuyển dịch tích cực trong trồng lúa. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho hay, sản xuất lúa gạo của Hà Nội chủ yếu phục vụ nhu cầu người dân Thủ đô, số ít đã xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Mỹ, Đức. Những năm qua, thực hiện tái cơ cấu, trồng lúa tại Hà Nội đã chuyển dần sang lúa chất lượng cao. Cụ thể, đến nay, Hà Nội đã hình thành 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô từ 100ha trở lên/cánh đồng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn 25 - 30% sản xuất lúa truyền thống. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu giống lúa chất lượng toàn TP đạt trên 80%. Qua đó, duy trì và phát triển 80 - 100 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.