Vì nếu nguồn cung của các ngân hàng có giới hạn mà nhu cầu từ phía người dân vẫn mạnh mẽ thì mọi nỗ lực cũng chỉ là “muối bỏ biển”… Vì vậy, để hướng đến ổn định thị trường vàng trong dài hạn, theo TS Đinh Thế Hiển vẫn phải cần nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và bền vững.
Sau nhiều phiên đấu thầu vàng thất bại, NHNN chọn giải pháp can thiệp mới là để bốn ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân. Ông đánh giá như thế nào về cách làm này?
- Trước đó, để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%. Điều này cho thấy, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế.
Tương tự, việc NHNN bán vàng cho bốn ngân hàng thương mại Nhà nước để các ngân hàng này trực tiếp bán lại cho người dân dù là giải pháp tăng cung có kiểm soát, song chưa hẳn đã là giải pháp hợp lý trong bối cảnh hiện tại.
Mấu chốt nằm ở chỗ, dù NHNN đưa cùng lúc bốn ngân hàng lớn vào “cuộc chơi” bán vàng, nhưng câu chuyện nguồn cung vẫn khó đoán. Nếu người dân chen nhau mua vàng thì có đủ vàng để bán? Nếu không đủ vàng để bán thì hiển nhiên giá vàng sẽ giảm. Vậy thì đến lúc ngưng bán, giá vàng sẽ tăng trở lại. Từ đó, tôi cho rằng, giải pháp mới của NHNN chưa phải là giải pháp hữu hiệu nhất lúc này.
Bên cạnh đó, cách thức các ngân hàng bán vàng ra thị trường thay vì bị gượng ép “bình ổn giá”, thì nên bán một cách tự nhiên, bám sát giá thị trường. Ví dụ, nếu giá thị trường đang là 80 triệu đồng/lượng thì bán 79 triệu đồng/lượng, giá thị trường 79 triệu đồng/lượng thì bán 78 triệu đồng/lượng, mà giá thị trường 78 triệu đồng/lượng thì bán 77 triệu đồng/lượng… Tức là bán “hạ nhiệt”, bán từ từ, với mục đích phục hồi nguồn cung của SJC, khi nguồn cung tăng, cung cầu gặp nhau, lúc này vàng sẽ tự rớt giá, đây mới là cách làm tốt nhất.
Như ông nói cung cầu gặp nhau sẽ kéo giá vàng đi xuống, vậy làm thế nào để cung có thể gặp cầu thuận lợi nhất?
- Như tôi đã nói ở trên, nguồn cung tăng là cách duy nhất để cung cầu gặp nhau, và “cuộc gặp gỡ” này sẽ từ từ kéo giá vàng trên thị trường xuống mức hợp lý.
Quanh đi quẩn lại, mấu chốt vấn đề là giải quyết câu chuyện nguồn cung. Trên thực tế, thông qua cân đối nguồn ngoại tệ NHNN đã thực hiện thao tác này, nhưng chắc chắn chỉ nhập một lượng vàng nhất định để tăng cung cho thị trường chứ không phải nhập khẩu khối lượng lớn đáp ứng toàn bộ cầu trong nước, mà phần nhiều có yếu tố đầu cơ. Do đó, chúng ta phải chấp nhận giá vàng trong nước và thế giới có sự chênh lệch nhất định, và sẽ hạ dần theo thời gian khi mà lượng vàng được NHNN cung ra, cũng như người dân bắt đầu chuyển qua các kênh khác như gửi ngân hàng, mua bất động sản, đầu tư chứng khoán…
Cần phải nhấn mạnh rằng, trong bất kỳ "cơn sóng" vàng nào, DN kinh doanh vàng không bao giờ để mình chịu thiệt, nên luôn để khoảng cách mua vào - bán ra lớn. Vì vậy, trong giai đoạn đầu can thiệp thị trường, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chưa thể giảm ngay. Điều quan trọng là phần chênh lệch này nằm trong tay Nhà nước để có dự trữ phòng ngừa rủi ro và điều tiết, thay vì chảy vào túi đầu cơ, buôn lậu.
Ngoài bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước, theo tôi, NHNN cũng nên bán cho cả Công ty SJC một lượng nhất định. SJC là DN 100% vốn Nhà nước, có kinh nghiệm kinh doanh vàng lâu đời, có dây chuyền gia công và mạng lưới kinh doanh vàng sâu rộng. Chúng ta đã rất thành công trong việc xây dựng nên một thương hiệu vàng quốc gia, không thể để thương hiệu này bị lu mờ.
Ngoài ra, NHNN cũng nên xem xét bán vàng cho các công ty chế tác có đơn hàng xuất khẩu nữ trang. Với các công ty này, phía ngân hàng hoàn toàn có thể quản lý tài khoản ngoại tệ của DN.
Để đạt mục tiêu ổn định thị trường vàng trong nước, bên cạnh giải pháp cho các ngân hàng tham gia bán vàng, còn giải pháp nào không, thưa ông?
- Vì vàng là hàng hóa đặc biệt, nên về lâu dài, hoàn toàn có thể tính tới phương thức quản lý mô hình sàn vàng. Thông qua việc lập sàn giao dịch vàng khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai minh bạch, bất kể người nào tham gia vào sẽ biết ngay thị trường có bao nhiêu người bán, mua… Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường dễ đưa quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt Nhà nước kiểm soát sẽ tốt, góp phần phát triển lành mạnh cả thị trường vàng vật chất và thị trường vàng trên sàn.
Nếu Chính phủ xem xét thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia, thì đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc tạo dựng thị trường vàng minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng có thể xem xét thành lập quỹ tín thác (ETF) vàng như công cụ tài chính quốc tế, và chứng chỉ quỹ này cũng có thể mua trên sở giao dịch để khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, thay vì nắm giữ vàng miếng.
Ngoài ra, công tác tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường vàng là giải phát rất hiệu quả. Cách làm này cần phát huy để bảo đảm vàng giao dịch trên thị trường có nguồn gốc rõ ràng, ngăn chặn vàng lậu.
Trước diễn biến của thị trường vàng những ngày gần đây, ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư?
- Trái ngược với tâm lý thích đầu tư nhà đất giới trẻ dưới 30 tuổi (thế hệ 9x trở lại đây), thế hệ trước của Việt Nam nhu cầu tích lũy vào vàng vẫn khá nặng nề. Tuy nhiên, mua vàng thời điểm này cực kỳ rủi ro vì Nhà nước đã, đang và sẽ còn có nhiều biện pháp để tiếp tục kéo giá vàng trong nước gần hơn với thế giới. Do đó, những ai đã mua vàng giá cao sẽ chịu thiệt hại kép từ chênh lệch mua - bán và việc NHNN có biện pháp can thiệp để “hạ nhiệt” giá. Chưa kể trường hợp nếu giá vàng thế giới thời gian tới giảm, người mua tiếp tục chịu cảnh lỗ chồng lỗ.
Trước sự tăng - giảm khó lường của giá vàng những ngày gần đây, nhà đầu tư phải hết sức thận trọng khi mua, bán, giao dịch vàng, đặc biệt không nên “bỏ trứng vào một giỏ” để tránh rủi ro.
Xin cảm ơn ông!