Quy hoạch - đòn bẩy để phát triển kinh tế đô thị

TS Nguyễn Thị Diễm Hằng - Trưởng phòng Nghiên cứu đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về định hướng phát triển kinh tế đô thị tại khu vực này sẽ là mở rộng không gian kinh doanh thương mại - dịch vụ khi phát triển mới các khu vực đô thị của TP.

TP Hà Nội đang thực hiện cùng lúc nhiều công việc liên quan đến phát triển đô thị. Đó là lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng Chương trình phát triển đô thị. Việc nghiên cứu, phân bổ không gian đô thị, kinh tế đô thị được thực hiện ở cả 3 văn kiện này có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.

Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza ngay tại giữa lòng Thủ đô thu hút nhiều khách trong và ngoài nước. Ảnh Hưng Khánh
Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza ngay tại giữa lòng Thủ đô thu hút nhiều khách trong và ngoài nước. Ảnh Hưng Khánh

Phát triển kinh tế đô thị theo các khu vực đô thị

Hà Nội là một trong hai đô thị đặc biệt của Việt Nam, vì vậy có trách nhiệm rất lớn trong thực hiện các mục tiêu về phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị đã đề ra trong Nghị quyết 06-NQ/TW. Trong đó, Hà Nội phải là TP đạt được ngưỡng cao trong các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đô thị, là nơi thực hiện chỉ tiêu “Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030”; đến năm 2045 là một trong 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn.

Bên cạnh đó, tháng 5/2022, T.Ư ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW về về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng đặt ra cho Hà Nội nhiều chỉ tiêu phát triển rất cao về tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập người dân, xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt năm 2011 đã xác định Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, trong đó có đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh (ĐTVT) và hệ thống các thị trấn sinh thái. Ngoài ra, Nghị quyết 15-NQ/TW cũng định hướng phát triển một số mô hình đô thị mới như TP trực thuộc Thủ đô; các đô thị theo mô hình TOD đối với các tuyến giao thông lớn… Dựa trên những định hướng này, có thể đề xuất phát triển kinh tế đô thị theo các khu vực.

Cụ thể, khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển theo phương châm xanh, đẹp, văn minh. Cả khu vực cần được cải tạo, chỉnh trang để khai thác kinh tế đô thị hiệu quả nhất, biến cả khu vực nội đô lịch sử thành khu có thể đi bộ, để kinh tế vỉa hè, kinh tế hộ phát triển bên cạnh ngành kinh tế hiện đại thay vì chỉ vài khu phố đi bộ như hiện nay. Với khu vực này ưu tiên phát triển các ngành thương mại - dịch vụ, tập trung vào dịch vụ tài chính - ngân hàng, trụ sở chính của các tổ chức kinh tế đa quốc gia. Đồng thời phát triển thương mại, du lịch với việc khai thác tối đa lợi thế văn hiến ngàn năm, văn hóa 36 phố phường… Đặc biệt, quan tâm quy hoạch để phát triển mô hình kinh tế đêm chủ yếu là ẩm thực và mua sắm.

Đối với các khu vực phát triển mới sẽ định hướng phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, bao gồm các đô thị vệ tinh, mô hình TP trong Thủ đô, các đô thị chuyên ngành (đô thị công nghiệp, đô thị giáo dục, đô thị sinh thái…). Ngoài ra, nghiên cứu bổ sung các đô thị mới theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) dọc theo các trục giao thông lớn (Vành đai 4, Vành đai 5), theo các khu vực chức năng (sân bay, khu đại học, khu công nghiệp…).

Về định hướng phát triển kinh tế đô thị tại khu vực này sẽ là mở rộng không gian kinh doanh thương mại - dịch vụ khi phát triển mới các khu vực đô thị của TP. Tại khu vực định hướng phát triển mô hình TP trực thuộc Thủ đô (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Hòa Lạc và Xuân Mai), ưu tiên hình thành các trung tâm bán buôn, mua sắm outlet (cửa hàng chuyên tiêu thụ các sản phẩm tồn kho, hàng lỗi thời, hết mốt hoặc hàng giảm giá) cho khách du lịch, trung tâm thương mại vùng, khu dịch vụ logistics, khu tổng kho tập trung... (gắn với hệ thống sân bay).

Đối với khu vực phát triển đô thị thông minh hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài, ưu tiên hình thành các trung tâm thương mại vùng, trung tâm đại diện thương mại, khu dịch vụ logistics, khu tổng kho tập trung… Đối với khu dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, hình thành các trung tâm mua sắm, khu tổng kho tập trung... Các khu vực Vành đai 4, hình thành các trung tâm thương mại, siêu thị, sửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh tại các đô thị theo mô hình TOD.

Định hướng quy hoạch một số ngành kinh tế đô thị quan trọng

Để Hà Nội tiếp tục giữ vai trò trung tâm kinh tế hàng đầu khu vực phía Bắc cần tập trung quy hoạch, phát triển thương mại - dịch vụ. Quy hoạch để xây dựng, cải tạo các chợ trong đô thị đảm bảo mỹ quan đô thị, trở thành các điểm đến văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch. Phát triển mạnh các trung tâm thương mại chất lượng cao; hình thành các khu mua sắm, vui chơi đa chức năng tầm khu vực. Quy hoạch đủ quỹ đất trong đô thị để xây dựng các trung tâm bán buôn lớn, phát huy vai trò là đầu mối phân phối hàng hoá khu vực phía Bắc. Quy hoạch đủ quỹ đất trong các đô thị để thu hút đầu tư các trung tâm dịch vụ giáo dục, khoa học công nghệ, y tế công nghệ cao, thể thao… có quy mô, chất lượng hàng đầu cả nước và ngang tầm với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển du lịch chất lượng cao, khai thác tối đa các giá trị văn hóa đặc sắc của nội đô lịch sử. Xây dựng khu, điểm du lịch chất lượng cao như khu vực trung tâm chính trị Ba Đình gắn với khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm; khu vực hồ Tây và phụ cận… Trọng điểm đầu tư phát triển công viên Hoàng thành Thăng Long thành công viên văn hóa lịch sử quốc gia. Tập trung quy hoạch một số địa điểm để phát triển cơ sở lưu trú du lịch cao cấp 4 - 5 sao tại một số quận như: Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên, Nam Từ Liêm gắn với phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo). Đối với khu vực trung tâm Thủ đô, tập trung mở rộng, nâng cấp chất lượng các khách sạn hiện có.

Quy hoạch, mở rộng mạng lưới tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Phát triển mạng lưới giao dịch theo các trục, điểm nhấn phát triển về tài chính ngân hàng như: Khu vực quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công (trục Nhật Tân - Nội Bài)… Tạo điều kiện về quỹ đất để thu hút các định chế ngân hàng hàng đầu thế giới đặt trụ sở tại khu vực trung tâm Hà Nội. Quan tâm quy hoạch phát triển công nghiệp - xây dựng công nghệ cao tại khu vực đô thị mới. Phát triển nông nghiệp đô thị tại các khu vực chuẩn bị chuyển từ huyện thành quận theo hướng sinh thái góp phần tạo mỹ quan đô thị, tạo nét văn hóa đô thị và cải thiện môi trường, hài hòa giữa thiên nhiên với con người, đồng thời, đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm gồm rau xanh, hoa tươi, thực phẩm cho cư dân thành thị…

 

Về quy hoạch, phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế đô thị, TP cần rà soát các dự án chậm triển khai để thu hồi, giao phát triển các dự án kinh tế khác, đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị. Nghiên cứu chính sách chuyển quyền phát triển không gian trên địa bàn Hà Nội. Dành một phần quỹ đất khi di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm ra khu vực ngoại thành để xây dựng các trung tâm tài chính, thu hút các định chế tài chính hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, nghiên cứu quy hoạch phát triển diện tích kinh doanh thương mại tại khu vực được quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị, tổ chức các siêu thị, cửa hàng tiện ích để phục vụ dân cư trong vùng, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.