Cơ cấu thị trường TPDN Việt Nam đang có sự mất cân đối, khi trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tỷ trọng áp đảo về số lượng thương vụ và giá trị so với trái phiếu phát hành đại chúng và trái phiếu phát hành ra quốc tế.
Sau một thời gian phát triển nhanh, thị trường đã giảm sút về thanh khoản, năm 2022 phát hành TPDN riêng lẻ giảm 44,9% so với năm trước, đạt 337 nghìn tỷ đồng, và quý 1/2023 chỉ đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, thị trường lại thiếu vắng các thương vụ phát hành trái phiếu ra công chúng với điều kiện phát hành chặt chẽ. Đặc biệt, sau các vụ việc vi phạm pháp luật của DN phát hành trái phiếu (Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, SCB...), thị trường TPDN bị mất niềm tin của nhà đầu tư.
Để đưa thị trường trái phiếu riêng lẻ vào khuôn khổ, Bộ Tài chính xây đã xây dựng và đưa vào hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vào hoạt động từ 16/6. Phương thức giao dịch là giao dịch thỏa thuận thông qua các thành viên giao dịch.
Thông tin về giao dịch được công bố công khai tại chuyên trang thông tin về TPDN riêng lẻ. Giá cả giao dịch minh bạch. Các nhà đầu tư đủ điều kiện sẽ mua trái phiếu qua sàn này khi có nhu cầu.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết, Sàn giao dịch TPDN có tính chất gần như sàn giao dịch chứng khoán. Nhà đầu tư sẽ mua bán trên đây chứ không phải mua qua tổ chức trung gian hay trực tiếp tại DN phát hành.
Đặc biệt, nếu nhà đầu tư cần bán trước thời hạn cũng có thể bán qua đây chứ không cần chờ đợi đến hạn thanh toán hay phải đi đòi, thương thảo với DN phát hành.
Đặt kỳ vọng cao vào Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ sau khi vận hành, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc cho biết, trên thế giới, bên cạnh sàn giao dịch chứng khoán nói chung, nhiều quốc gia đã xây dựng sàn giao dịch dành riêng cho thị trường trái phiếu.
Đơn cử tại Mỹ, Nasdaq được hình thành từ năm 2018. Đây là sàn giao dịch trái phiếu của các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu đối với trái phiếu không chuyển đổi. Trong quá trình vận hành thị trường, Nasdaq tuân thủ quy trình niêm yết hiệu quả, bảo đảm tiêu chuẩn đầu vào của những trái phiếu được giao dịch trên sàn, xây dựng môi trường đầu tư trái phiếu lành mạnh về lâu dài.
Tại Việt Nam, cách đây gần 20 năm, đề xuất ban đầu về việc thiết lập sàn giao dịch trái phiếu Chính phủ đã được cân nhắc. Thời điểm đó, giao dịch trái phiếu bấy giờ cũng chưa hiểu hết cơ hội và rủi ro của thị trường trái phiếu để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác đến nhà đầu tư.
Trước tình trạng mất niềm tin vào thị trường do mua lầm những TPDN không có uy tín, xây dựng sàn giao dịch trái phiếu có thể giải quyết bài toán mất niềm tin hiện tại, hạn chế và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Bởi, khi sàn giao dịch trái phiếu thứ cấp được hình thành, cả hai bên giao dịch đều phải tuân thủ các thỏa thuận và HNX lẫn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ giám sát việc tuân thủ đó.
Khi một bên vi phạm cam kết, phải có chế tài xử lý, tránh rủi ro lan rộng và nhà đầu tư mất niềm tin như hiện nay. Tuy vậy, Việt Nam cần chuẩn bị kế hoạch phù hợp cho lộ trình xây dựng sàn giao dịch trái phiếu.
Ở góc độ nhà đầu tư, anh Nguyễn Chí Hào (Nam Từ Liêm) mong muốn, khi đi vào vận hành, sàn giao dịch thứ cấp TPDN sẽ tạo lập cơ sở dữ liệu để nhà đầu tư có đủ thông tin cho từng lô chào, mua bán, nhất là thông tin về các cam kết tuân thủ mà bên bán đưa ra, đồng thời có biện pháp, chế tài xử lý khi một bên vi phạm cam kết tuân thủ này.