Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam:

Thông điệp vì thế hệ tương lai

Thoan Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuân Nhâm Dần đang gõ cửa mọi người, mọi nhà mang theo biết bao niềm tin và kỳ vọng mới.

Các tình nguyện viên trồng cây xanh tại rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Quốc Bình
Các tình nguyện viên trồng cây xanh tại rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Quốc Bình

Nhìn lại một năm qua, một trong những dấu ấn đặc biệt của Việt Nam trên trường quốc tế là cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Dù không thuộc nhóm các nước phát triển hay có tiềm lực tài chính lớn, Việt Nam vẫn thể hiện là một thành viên đầy trách nhiệm khi đưa ra cam kết mạnh mẽ này - mục tiêu được cho là khó thậm chí với nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Đưa Việt Nam lên hành trình phát triển xanh
Giới quan sát cho rằng, cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền tải thông điệp lớn lao hơn con số thuần túy. Trong phát biểu của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (BĐKH) - COP26 tại Vương quốc Anh tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật tầm quan trọng của đoàn kết toàn cầu cũng như vai trò của người dân trong thực hiện các mục tiêu chung. “Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhận xét về thông điệp này, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết: “Thủ tướng Phạm Minh Chính rõ ràng đến COP26 với cam kết mạnh mẽ, quyết tâm đưa Việt Nam trên hành trình phát triển xanh”. Ông Gareth Ward cho hay, Vương quốc Anh và các đối tác cam kết thúc đẩy và hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới thông qua những gói tài chính, kỹ thuật. “Chúng tôi muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tìm ra sự kết hợp phù hợp giữa tăng cường đầu tư công, huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi để giảm chi phí cho đất nước, lồng ghép với các biện pháp quản lý để Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với đầu tư xanh trong 20 năm tới” - Đại sứ Gareth Ward khẳng định.
Đánh giá cao việc lấy con người làm trung tâm trong tăng trưởng bao trùm, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen bày tỏ đặc biệt ấn tượng trước cam kết gương mẫu của Việt Nam trong việc tham gia các nỗ lực toàn cầu để chống lại BĐKH. Theo bà Caitlin Wiesen, đó là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được với sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ, điều chỉnh kịp thời các chính sách, khuôn khổ pháp lý, chiến lược và kế hoạch đầu tư.
Mục tiêu táo bạo
Trên thực tế, giới chuyên gia và nhà khoa học bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của cam kết của Việt Nam, cho rằng quyết tâm thôi không đủ mà đòi hỏi kế hoạch quốc gia tổng thể và bài bản cùng nguồn lực tài chính mạnh mẽ. Theo Jacqueline Tao - chuyên gia châu Á của TransitionZero, một trong những thành viên sáng lập của Liên minh Climate TRACE do cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore dẫn dắt, Việt Nam đã gây ngạc nhiên cho giới quan sát bằng mục tiêu đầy tham vọng, cùng với cam kết bất ngờ không kém là loại bỏ năng lượng than vào năm 2040.
“So với các quốc gia Đông Nam Á khác có cùng mục tiêu giảm phát thải bằng 0 (net zero), tham vọng của Việt Nam được coi là táo bạo và có ít cảnh báo hơn so với các nước láng giềng cũng phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch” - Jacqueline nêu quan điểm. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam vẫn còn thiếu một lộ trình rõ ràng cho sự chuyển đổi cần thiết để đặt mình trên hành trình giảm phát thải.
Còn Chris Wright - Giám đốc điều hành Climate Tracker – tổ chức phi lợi nhuận quốc tế thúc đẩy báo chí và truyền thông về khí hậu trên toàn cầu, cho biết cái đích net zero vào năm 2050 của Việt Nam là một biểu tượng mạnh mẽ cho thấy nước này đang đặc biệt quan tâm đến những thách thức của BĐKH. Nhưng mục tiêu đó cần được hỗ trợ bằng các kế hoạch chi tiết về ý nghĩa của net zero và sự sẵn sàng các nguồn cung năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển. “Dù có tốc độ phát triển năng lượng tái tạo nhanh nhất khu vực nhưng tỷ lệ tiêu thụ điện than và LNG cũng rất lớn. Do đó, tôi trông đợi lộ trình Việt Nam hiện thực hóa cam kết đó” - Chris Wright nói.
Đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực lớn
Durand D’souza - nhà khoa học dữ liệu của Carbon Tracker – tổ chức tư vấn tài chính độc lập thực hiện phân tích chuyên sâu về tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng đến thị trường vốn, cho rằng Việt Nam có cơ sở để hiện thực hóa cam kết. Vị chuyên gia này lập luận rằng, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào như đường bờ biển dài tuyệt vời để phát triển điện gió cùng tiềm năng to lớn về điện mặt trời. Nắm bắt cơ hội từ các nguồn năng lượng sạch mang lại và bằng cách đó, Việt Nam có thể tự định vị mình là quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong công cuộc giảm phát thải.
Theo Bộ TN&MT, việc Thủ tướng đưa ra thông điệp mạnh mẽ về giảm phát thải ròng cũng phát đi một tín hiệu tích cực để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, Việt Nam có thể chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tận dụng các cơ chế hợp tác song phương và đa phương theo Thỏa thuận Paris (COP21), qua đó tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của DN để hàng hóa có thể thâm nhập những thị trường hàng đầu như Mỹ, EU.
Theo Cục trưởng Cục BĐKH (Bộ TN&MT) Tăng Thế Cường, hành trình xanh đòi hỏi nỗ lực tự thân và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế với lộ trình phù hợp, dài hạn. Vừa qua, Việt Nam cũng đã có Thỏa thuận chi trả giảm phát thải ký với Quỹ Đối tác Carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện trong 5 năm đến 2025 và Ý định thư tăng cường tài chính cho rừng được ký tại COP26 với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp – cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải.
Điều đáng mừng, những năm qua, Việt Nam đã chủ động thực hiện các hoạt động thích ứng BĐKH, bao gồm đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước, ứng phó nước biển dâng tại các vùng dễ bị tổn thương, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học.
Con đường thực hiện cam kết không hề dễ dàng nhưng đó là xu hướng tất yếu mà chúng ta không thể đứng ngoài. Với tinh thần đó, Việt Nam coi việc ứng phó BĐKH và phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, thậm chí là tiêu chuẩn đạo đức của mọi cấp, ngành, DN và mỗi người dân như Thủ tướng đã khẳng định tại COP26.

 

"Italia hoan nghênh các cam kết của Việt Nam và sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi sẽ thực hiện điều đó thông qua viện trợ phát triển chính thức (ODA) và chia sẻ với Việt Nam những công nghệ tiên tiến để thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH." - Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro