Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Tiết kiệm ồn ào” - lối sống mới của giới trẻ

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào đầu năm 2024, diễn viên hài và nhà văn Lukas Battle (Mỹ) đưa thuật ngữ “tiết kiệm ồn ào” (loud budgeting) lên mạng xã hội.

Điều không ngờ là khái niệm này lan tỏa khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, nhất là ở những người trẻ. Đông đảo giới trẻ công khai lối sống tiết kiệm của mình trên mạng xã hội thay vì khoe của như trước đây.

Tâm lý chung của người tiêu dùng trẻ

Lukas Battle cho biết: “Tiết kiệm ồn ào” là một khái niệm mới mà tôi công bố cho năm 2024 đăng trên TikTok, nó trái ngược với trào lưu “sang trọng yên tĩnh” (quiet luxury). Nếu người thân nhắn tin muốn gặp bạn trò chuyện, bạn nói “Tôi không muốn tốn tiền xăng để đến gặp và nghe bạn nói về người yêu cũ trong ba giờ đồng hồ”.

Bài đăng trên TikTok của Lukas Battle về câu chuyện tiết kiệm có hơn 1,5 triệu lượt xem, trong khi những người dùng khác cũng đón nhận thuật ngữ mới "tiết kiệm ồn ào" này.

“Tiết kiệm ồn ào” là thuật ngữ mới để mọi người sử dụng khi họ không muốn tiêu tiền, để không khiến việc nói về tiền trở nên khó xử. Ví dụ: thay vì cùng bạn bè đến Cabo (Mexico) vào ngày nghỉ cuối tuần, chúng ta có thể dành số tiền đó trả các khoản vay sinh viên. Hoặc nếu muốn chọn không tham gia cùng bạn bè trong một bữa tối đắt tiền mà chỉ mời họ đi uống nước thôi, tất cả những gì bạn phải nói là “Tôi đang “tiết kiệm ồn ào”.

Trong một thế giới trực tuyến, nơi mà sự xa hoa và sang trọng thường xuyên được phô bày, “tiết kiệm ồn ào” khiến việc chi tiêu tiết kiệm trở nên thú vị và có thể chấp nhận được. Điều này giúp giới trẻ tự tin hơn, quản lý chi tiêu thông minh hơn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giovanna Gonzalez là nhà giáo dục tài chính và là tác giả của cuốn sách “Văn hóa & Tiền mặt”. Cô ấy nói rằng khi ở độ tuổi 20, cô ấy không bao giờ có thể thành thật với bạn bè về tài chính của mình và mắc chứng FOMO (được hiểu như một nỗi sợ hãi mà bản thân bỏ lỡ những điều thú vị hoặc hấp dẫn trong cuộc sống).

“Tôi đã dành phần lớn tuổi đôi mươi của mình trong cảnh túng quẫn, sống từ đồng lương ít ỏi. Tôi cảm thấy xấu hổ khi nói điều đó. Tôi thực sự vui mừng vì toàn bộ khái niệm “tiết kiệm ồn ào” này đang được giới thiệu đến thế hệ trẻ bởi vì với việc tiết kiệm một cách công khai, bạn sẽ lấy lại được quyền lực của mình” - Gonzalez nói.

Elizabeth Schwab, Chủ tịch Chương trình của Ban Tâm lý Kinh doanh và Kinh tế Hành vi tại Trường Chicago, cho biết: “Ưu tiên tiết kiệm và thực hiện nó một cách tự hào có vẻ là một ý tưởng tuyệt vời. Nó xóa bỏ sự kỳ thị những gì nhiều người Mỹ đang cảm nhận và trải qua”.

Tại Việt Nam, việc “tiết kiệm ồn ào” cũng lan tỏa trên mạng xã hội, đặc biệt là TikToK. Nhiều người chia sẻ công khai cách tiết kiệm của mình, như việc làm sao chỉ tốn tiền ăn khoảng 1 triệu đồng/tháng/người… Điều này cho thấy, giới trẻ sống thực chất hơn, quý trọng đồng tiền hơn và lưu ý đến cách tiêu tiền hợp lý.

Khao khát hiểu biết về quản lý tài chính

Xu hướng “tiết kiệm ồn ào” đi với trào lưu tìm hiểu về tài chính, quản lý chi tiêu của giới trẻ. FinTok (TikTok tài chính hoặc cộng đồng người dùng chia sẻ lời khuyên tài chính) đang được giới trẻ chú ý để bù lấp khoảng trống hiểu biết về tài chính của mình.

“Tiết kiệm ồn ào” cũng phản ánh cách tiếp cận quản lý tài chính mới của giới trẻ. Theo báo cáo từ Viện TIAA, sự bất ổn kinh tế gần đây đã khiến giới trẻ trở thành những người khao khát thông tin tài chính nhất: khoảng 52% thế hệ Z và 48% thế hệ Millennials có động lực để nâng cao hiểu biết về tài chính của mình.

Gen Z và Millennials dành hàng giờ để lướt mạng xã hội. Theo S&P, họ cũng có nhiều khả năng mua thương hiệu và sản phẩm từ các quảng cáo trên các nền tảng đó hơn bất kỳ thế hệ nào khác.

“Tôi nghĩ việc lập “tiết kiệm ồn ào” và FinTok phản ánh việc người tiêu dùng nhìn vào các sản phẩm đang được cung cấp cho họ trong hệ thống kinh tế và tự hỏi rằng, tất cả những điều này có được chấp nhận không?” - Michael Hershfield, Giám đốc điều hành và người sáng lập Accrue Savings, một công ty fintech tiêu dùng cho biết.

Vivian Tu, Giám đốc điều hành của trang web kiến ​​thức tài chính Your Rich BFF, nói: FinTok có thể giúp làm sáng tỏ tình trạng thiếu hiểu biết về tài chính ở thế hệ trẻ. Nhưng cô ấy cảnh báo rằng điều quan trọng là phải tham khảo chéo bất kỳ thông tin tài chính nào được cung cấp trên mạng xã hội với một nguồn có uy tín khác.

Mặt khác, về xu hướng “tiết kiệm ồn ào”, các chuyên gia tài chính khuyến cáo: hãy ồn ào nhưng đừng đáng ghét. Điều quan trọng cần lưu ý là việc “tiết kiệm ồn ào” có thể không phù hợp với tất cả mọi người do mức độ thoải mái khác nhau khi thảo luận về tài chính cá nhân.

Mặc dù việc trao đổi cởi mở về các khoản tiết kiệm có thể mang lại lợi ích nhưng hãy cân bằng để tránh chia sẻ quá mức hoặc khiến người khác khó chịu. Những cuộc trò chuyện về tiền bạc có thể gây tổn thương cho một số người đã trải qua những tình huống khó khăn về tài chính như bị sa thải hoặc những trường hợp đang trong tình trạng khẩn cấp về y tế một cách bất ngờ.

 

Xu hướng tiêu dùng “xa xỉ thầm lặng” (quiet luxury) là cách giới giàu có thể hiện sự tinh tế, sang trọng trong tiêu dùng. Xu hướng này tránh tiêu dùng phô trương, hàng hiệu một cách xa xỉ; mua những đồ dùng có vẻ giản dị nhưng giá trị vượt trội. Nay xu hướng “tiết kiệm ồn ào” (loud budgeting) được đa số giới trẻ, những người chưa có nhiều tiền hưởng ứng. Hai xu hướng không triệt tiêu nhau mà song hành tồn tại.