Xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ quản lý kinh doanh nhà trọ

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù loại hình nhà ở là nhà trọ, phòng trọ cho thuê đang chiếm số lượng lớn trong cơ cấu sản phẩm nhà ở, nhưng chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ.

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý, cũng như vận hành, rất cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý thật rõ ràng, chặt chẽ.
Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên tại địa bàn Hà Nội (không tính một số quận trung tâm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng), thu nhập của một chủ nhà trọ bình dân sở hữu khoảng 10 phòng cho thuê hàng tháng dao động từ 20 - 30 triệu đồng, chưa kể một số khoản phụ thu khác.

Kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại một khu dân cư trên địa bàn phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Công Trình
Kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại một khu dân cư trên địa bàn phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Công Trình

Theo ước tính của một số chủ kinh doanh nhà trọ, những chi phí xây dựng sẽ mất khoảng 3 - 5 năm vận hành để thu hồi lại vốn, còn cả quãng thời gian dài sau đó là chủ trọ có thể yên tâm hưởng thụ thành quả; chi phí vận hành, bảo dưỡng không quá lớn mà sẽ được trích ra từ tiền thuê của khách, lúc này chủ trọ không lo bỏ kinh phí như thời điểm đầu xây dựng.

“Bên cạnh đó, việc quản lý, vận hành cho thuê hiện nay cũng đơn giản hơn rất nhiều, bởi sự đang dạng về khách thuê, nên chủ trọ có thể xác định được đối tượng cho thuê (sinh viên, người lao động với hình thức cho thuê cá nhân, tổng hợp hoặc hộ gia đình...) để có thể tránh những phiền toái và xung đột về lối sống hay trình độ học vấn trong quá trình chung sống với chủ nhà.

Như vậy, rõ ràng có thể khẳng định, kinh doanh nhà trọ ở những đô thị lớn hay địa bàn có nhiều khu công nghiệp đang là một nghề “hot”, mang lại lợi ích cho cả 2 bên (chủ trọ và người thuê)” - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.

Sau vụ hỏa hoạn thương tâm tại phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), phóng viên Kinh tế & Đô thị đã dành thời gian để đi tìm hiểu về một số khu nhà trọ bình dân tại một số quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Thanh Trì... không khó để tìm được khu trọ bình dân trong khu dân cư tương tự như vậy.

Tuy nhiên, điều đáng nói hầu hết những khu nhà trọ này đều được xây dựng trên những mảnh đất xen kẹt hoặc nằm sâu trong ngõ, ngách của các con phố, thậm chí đường đi chỉ rộng chừng 1,5m vừa 2 xe máy ngược chiều tránh nhau.

Như vậy, chưa nói đến câu chuyện tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng, tiện ích dịch vụ... mà vấn đề có thể nhìn thấy ngay trước mặt là khi cần cứu hộ cứu nạn (PCCC, cứu thương...) là vô cùng khó khăn, phức tạp, bởi phương tiện chuyên dụng không thể di chuyển đến tận chân công trình. Nhưng vì sao những khu trọ này lúc nào cũng trong tình trạng lấp kín, không còn phòng trống? Bởi nó phù hợp với đại bộ phận người dân lao động đô thị.

“Hôm nào đắt khách thì tôi chạy được 5 - 7 chuyến, thu nhập từ 1 - 1,5 triệu đồng, nhưng cũng có hôm chỉ được 1 - 2 chuyến, hoặc suốt mấy ngày trời không được chuyến nào. Thu nhập bấp bênh như vậy, nên tôi cùng 3 người nữa phải chung nhau tiền thuê một phòng trọ rộng 15m2 với giá 2,5 triệu đồng/tháng, ban ngày đi làm, tối về tắm giặt và ngủ thôi” - anh Nguyễn Văn Đại (quê Chương Mỹ, Hà Nội) lái xe ba gác chở hàng thuê khu vực Kim Đồng - Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp, nhu cầu về nhà trọ đối với người thu nhập thấp ở đô thị (bao gồm cả người ngoại tỉnh di cư đến để tìm kiếm việc làm và người bình dân sinh sống nhiều đời) là rất lớn. Trên thực tế, phân khúc phòng trọ, nhà trọ cho thuê cũng đóng góp một phần tích cực vào việc giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội cho chính quyền các đô thị; nhưng hiện nay chúng ta đang “nợ” phân khúc này một hành lang pháp lý.

“Từ Luật Nhà ở 2014, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành đều không có quy định riêng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhà trọ, mà chỉ quy định chung chung về phòng ở, dẫn đến việc xây dựng một cách tràn lan, mỗi nơi, mỗi cá nhân làm một kiểu, cơ quan chức năng cũng có không có căn cứ để quản lý, cùng với đó là tình trạng tiêu cực, xin - cho và thảm kịch đã xảy ra như đã thấy.

Cho đến Luật Nhà ở 2023 chúng ta cũng chưa thực sự quan tâm đến nội dung này, vì vậy tôi cho rằng cần phải nhanh chóng xây dựng một hành lang pháp lý thật rõ ràng, chặt chẽ cho loại hình sản phẩm nhà trọ, phòng trọ cho thuê” - ông Nguyễn Thế Điệp nói.