Dự án không chỉ tạo nên một trục phát triển chiến lược cho Vùng Thủ đô, mà còn mở ra một hướng đi hiệu quả cho các dự án hạ tầng giao thông của cả nước.
Hình mẫu của quyết tâm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhận xét trong một cuộc họp của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, khâu chuẩn bị đầu tư của các dự án lâu nay chưa thực sự tốt.
Chính vì vậy nên nhiều dự án kéo dài, gặp không ít vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ, đội vốn. Đó là khâu đầu tiên cần khắc phục trong quá trình triển khai các dự án giao thông lớn.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án đầu tiên của Thủ đô cũng như liên Vùng có Trưởng Ban chỉ đạo là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, khích lệ, đồng hành của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội là một trong những động lực lớn nhất để khâu chuẩn bị đầu tư hoàn thành đúng tiến độ đề ra”.
Song song với việc chuẩn bị các thủ tục, điều chỉnh quy hoạch, lập, thẩm định các báo cáo, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) - một trong những khâu then chốt nhất của dự án cũng đạt được thành công vượt bậc.
Khối lượng GPMB đạt trên 80% nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, và quan trọng hơn nữa là sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân. “Nếu không có vai trò dân vận của Đảng và các đoàn thể chính trị sẽ không thể có được thành công đó” - thạc sĩ Phan Trường Thành nói.
Bên cạnh hiệu quả tích cực của công tác tuyên truyền, dân vận,
Hà Nội cũng đã dám nghĩ, dám làm, có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong GPMB, ứng tiền để chi trả hỗ trợ, bồi thường cho người dân. Ban Chỉ đạo triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô còn mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho áp dụng nhiều quy định đặc biệt khác trong quá trình chuẩn bị đầu tư.
Ví dụ như việc tách công tác GPMB ra thành các dự án riêng, đạt khối lượng đề ra mới bàn giao để triển khai thi công đường. Hay tách các dự án đường đô thị song hành ra thành các dự án riêng, song song tiến hành với tuyến chính, giao cho các địa phương tự chuẩn bị đầu tư đồng bộ, cùng lúc. Đó đều là những cách làm đột phá, thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất cao của Hà Nội cũng như các địa phương liên quan.
Quyết tâm và những hành động thực tế đó đã giúp Ban Chỉ đạo dự án giành được sự ủng hộ rất lớn của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành T.Ư và Nhân dân địa phương. Có thể nói, công tác triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô xứng đáng để làm hình mẫu cho đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm sau này của cả nước.
Thạc sĩ quản lý kinh tế Lê Trung Hiếu nhận định: “Việc triển khai thực hiện các vấn đề: GPMB, chính sách an cư, vốn đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, thủ tục… tại Vành đai 4 chính là tiền đề để Hà Nội và các địa phương sau này triển khai các dự án khác, nhất là Vành đai 5”.
Kỳ vọng lớn của Vùng Thủ đô
Theo Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội và 9 tỉnh, TP khác bao gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang sẽ được liên kết, trở thành một vùng siêu đô thị của cả nước cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hà Nội chủ động đứng ra đề xuất thực hiện dự án này là một thành tựu, thể hiện vai trò đầu tàu của Vùng Thủ đô.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Đào Ngọc Nghiêm
Một trong những điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa định hướng chiến lược đó là đầu tư, xây dựng mạng lưới giao thông xuyên suốt, kết nối toàn diện, thuận lợi đến cả 10 địa phương trong Vùng Thủ đô, bên cạnh đó, còn là bàn đạp tiếp cận đến các khu vực kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ hàng hải, hàng không xung quanh, nhằm vươn tầm ra châu lục và thế giới.
Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng mạng lưới giao thông đó vẫn chưa đạt được, trong chuỗi lưu thông của Vùng Thủ đô vẫn còn những “điểm nghẽn” khiến giao thương, vận tải chưa được thông suốt.
Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô với bộ khung chính là 7 tuyến cao tốc: Hà Nội - Lào Cai; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đại lộ Thăng Long; Nội Bài - Bắc Ninh. 7 tuyến cao tốc này tạo nên 4 hành lang kinh tế rất quan trọng khu vực phía Bắc là: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô cũng như khu vực Bắc bộ nói chung.
Việc nhanh chóng triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là bước đi mạnh mẽ, cụ thể hóa chủ trương “giao thông đi trước mở đường phát triển kinh tế” của Đảng và Nhà nước.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua, đã xác định một trong ba đột phá chiến lược là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào các tuyến giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Đối với Vùng Thủ đô nói chung và Hà Nội nói riêng, việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 là hết sức cần thiết và cấp bách, động lực thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội, định hình chuỗi siêu đô thị của Vùng Bắc bộ cũng như cả nước.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo chia sẻ: “Giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là đầu tư xây dựng Vành đai 4, đây có thể coi là xương sống của hệ thống giao thông Vùng Thủ đô”.
Vành đai 4 được xác định là tuyến cao tốc vành đai, kết nối với tất cả 7 tuyến cao tốc hướng vào Hà Nội, giúp phân luồng giao thông từ xa theo các hướng; tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa 4 hành lang kinh tế; giảm tải và hạn chế UTGT cho Vành đai 3.
Với những kỳ vọng đó, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tiếp tục là tâm điểm của những nỗ lực, quyết tâm trong nhiều năm tới của Hà Nội cũng như cả vùng.
Về mặt kinh tế, khi có đường Vành đai 4 sẽ tăng cường tối đa tính chất liên kết đối với các tỉnh trong vùng Thủ đô. Quan trọng hơn, con đường kết nối được sự phát triển của Hà Nội với cả Vùng và mở rộng không gian phát triển cho TP. Như vậy,
Hà Nội sẽ trở thành cực phát triển có tính chất lan tỏa đến mọi điểm trong Vùng. Có đường Vành đai 4 chạy qua, các nguồn lực bên cạnh sẽ có điều kiện để phát triển, nguồn lực đất đai sẽ phát triển, đầu tư các trung tâm công nghiệp, đô thị… như vậy sẽ mang lại nguồn lực rất tốt.
Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường