Bê bối quỹ đen
Trong bài phát biểu, ông Kishida dẫn vụ bê bối quỹ chính trị của LDP là một trong những lý do để từ chức. Từ cuối năm ngoái, LDP đã phải vật lộn với hậu quả của một bê bối quỹ đen, dẫn đến việc phần lớn các phe phái của đảng bị giải thể, cũng làm tổn hại đáng kể đến vị thế của đảng trong mắt công chúng.
Động thái bất ngờ của ông Kishida diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều chỉ trích từ các đảng viên cấp cơ sở và số liệu thăm dò không khả quan.
Một cuộc thăm dò gần đây của NHK cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Kishida là 25% vào tháng 8, giảm so với mức 29% vào tháng 11/2023, ngay trước khi bê bối chính trị nổ ra. Trong cuộc thăm dò của Asahi Shimbun được tiến hành vào tháng 7, 74% số người được hỏi cho biết họ không muốn ông Kishida tiếp tục giữ chức sau cuộc bầu cử lãnh đạo vào tháng 9.
Trong LDP, các động thái điều động dự kiến sẽ tăng cường khi đảng này tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới và các ứng cử viên tiềm năng bao gồm Tổng Thư ký LDP Toshimitsu Motegi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và Bộ trưởng kỹ thuật số Taro Kono. Những khả năng khác bao gồm cựu Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi và Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi.
Thông báo này cũng được đưa ra khi Nhật Bản đang trong tình trạng báo động động đất lớn, với một cơn bão nhiệt đới đang rình rập ngoài khơi, làm tăng thêm cảm giác bất an chung. Thị trường chứng khoán mới khởi sắc có khả năng bị đình trệ, với việc cổ phiếu giảm nhẹ sau tin tức Thủ tướng sắp từ nhiệm. Các chỉ số của Nhật Bản có những tiến triển ổn định sau đợt tăng lãi suất bất ngờ của BOJ vào ngày 31/7, mặc dù vẫn giảm khoảng 15% so với mức đỉnh.
Câu hỏi lớn hiện nay là liệu người thay thế ông Kishida có phải là một lãnh đạo theo chủ nghĩa diều hâu về tiền tệ và tài chính hay không. Điều này sẽ đẩy giá trị đồng yen lên cao hơn nữa so với đồng USD và gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế và thị trường đang diễn ra.
Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono là một khả năng. Vào tháng 7, ông kêu gọi Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất để thúc đẩy đồng yên giúp các hộ gia đình đang phải vật lộn với lạm phát.
Tổng Thư ký LDP Toshimitsu Motegi, một ứng cử viên tiềm năng khác, cũng yêu cầu BOJ đưa ra những tín hiệu rõ ràng hơn về việc thắt chặt tiền tệ vào tháng trước.
Mặt khác, giá trị giao dịch của đồng yen cũng còn phụ thuộc các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Về mặt chính sách, không có thay đổi lớn nào được mong đợi bất kể ai thay thế ông Kishida. Câu hỏi đặt ra là Thủ tướng mới sẽ ưu tiên điều gì, trong khi Thủ tướng Kishida tập trung vào việc tăng lương để chấm dứt tình trạng giảm phát kéo dài hàng thập kỷ của Nhật Bản?
Khi nhậm chức vào tháng 10/2021, ông đã cam kết sẽ xoay chuyển nền kinh tế bằng cách chuyển sang "hình thức chủ nghĩa tư bản mới", tập trung nhiều hơn vào việc phân phối lại tài sản. Để đạt được mức tăng lương vững chắc, chính quyền Kishida đã gây sức ép với các nhà lãnh đạo DN.
Năm nay, các cuộc đàm phán đầu năm giữa các công ty lớn và công đoàn lao động đã thúc đẩy mức tăng lương 5,1% trong khi mức lương tối thiểu trung bình theo giờ của Nhật Bản cũng tăng khoảng 5%.
Ông Kishida cũng tập trung vào việc củng cố các công ty khởi nghiệp của Nhật Bản và nỗ lực tạo điều kiện cho các công nghệ và đầu tư xanh trong khi giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp.
Bài toán đồng yen
Dù Thủ tướng Fumio Kishida đã thúc đẩy mức tăng lương lớn nhất của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ, nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp cho tác động của đồng yen bị ảnh hưởng hoặc giữ ông ở lại vị trí Thủ tướng.
Ngoài việc ảnh hướng bởi các vụ bê bối, đồng yen yếu có thể được coi là nguyên nhân khiến ông Kishida thất bại. Đồng tiền này trượt giá xuống mức thấp nhất trong gần 4 thập kỷ so với đồng USD vào tháng trước, đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao và làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng vào một nền kinh tế vừa mới thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài nhiều năm.
Không rõ ai sẽ kế nhiệm Kishida. Nhưng bất kỳ ai kế nhiệm cũng sẽ phải đối mặt với “nỗi đau” mang tên đồng yen. "Sự xuất hiện của lạm phát tỷ giá hối đoái thực sự gây tổn hại đến thủ tướng" - Michael Cucek, giáo sư chuyên ngành chính trị Nhật Bản tại Đại học Temple ở Tokyo cho biết.
Tiền tệ - chịu áp lực từ khoảng cách lớn giữa lãi suất cực thấp của Nhật Bản và lãi suất ở các nền kinh tế lớn khác - cuối cùng đã làm giảm tác động của việc tăng lương, nền tảng cốt lõi chính sách "chủ nghĩa tư bản mới" của ông Kishida. Ông liên tục kêu gọi các công ty tăng lương, nói rằng điều này là cần thiết cho tăng trưởng kinh tế rộng hơn.
Tuy nhiên, tiền lương thực tế, được điều chỉnh theo lạm phát, hầu như không thay đổi, có nghĩa là mọi người kiếm được ít hơn nhiều so với các con số tiêu đề được đề xuất sau khi tính đến giá cả. Vào tháng 6, tiền lương thực tế đã tăng lần đầu tiên sau 27 tháng, ở mức 1,1%. Nhật Bản xếp hạng thấp hơn nhiều so với mức trung bình của OECD về mức lương hàng năm, ở mức khoảng 43.000 USD.
"Tăng lương là thành tựu đáng chú ý của chính quyền ông Kishida và tôi hy vọng chính phủ tiếp theo sẽ tiếp tục điều đó" - Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Norinchukin Research cho biết - "Kỷ nguyên mà đồng yen yếu hơn dẫn đến tăng xuất khẩu và GDP cao hơn đã kết thúc. Hiện đang ở giai đoạn chúng ta cần tỷ giá hối đoái ổn định".
Đồng yen yếu là một lợi ích trong những năm tăng trưởng cao của Nhật Bản, vì nó khiến hàng xuất khẩu rẻ hơn ở các thị trường nước ngoài và làm tăng lợi nhuận ròng của các công ty, chẳng hạn như Sony và Toyota khi họ mang lợi nhuận về nước.
Nhưng các công ty Nhật Bản hiện sản xuất nhiều hơn ở nước ngoài, điều này làm giảm tác động của tiền tệ và các nhà hoạch định chính sách quan tâm nhiều hơn đến tác động của tỷ giá hối đoái đồng yên đối với các hộ gia đình do nền kinh tế mong manh.
Dưới thời ông Kishida, BOJ đã lần đầu tiên tăng lãi suất sau 17 năm. Lần tăng thứ hai vào cuối tháng trước đã giúp đồng yen phục hồi, gây chấn động thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, theo quan điểm của các hộ gia đình và người tiêu dùng, đồng tiền này vẫn yếu.
"Đúng là ông Kishida không được ưa chuộng, nhưng liệu người kế nhiệm có thể xử lý nền kinh tế Nhật Bản tốt hơn không? Không ai biết được" - Tatsunori Kawai, chiến lược gia trưởng tại au Kabucom Securities cho biết.
Các nhà kinh tế cũng lưu ý tầm quan trọng tương đối của một số thay đổi khởi phát trong nhiệm kỳ của ông Kishida. Mặc dù tiền lương không thể theo kịp lạm phát, nhưng thực tế là Nhật Bản chứng kiến bất kỳ sự gia tăng nào về tiền lương đều rất đáng kể, vì nước này đã dành nhiều năm để chống lại tình trạng giảm phát.
Câu hỏi hiện tại là liệu Nhật Bản sẽ đẩy nhanh cải cách hay quay lại với chính sách dừng-khởi động (stop-start) đặc trưng. "Những gì thị trường muốn thấy và những gì tốt cho nền kinh tế vĩ mô nói chung là một “làn gió mới'' - chuyên gia Kawai nhận định.