Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng bản đồ ẩm thực này thì việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) phải đặt lên hàng đầu bởi đây là yếu tố bảo đảm an toàn cho du khách, không làm mất vẻ đẹp ẩm thực Hà thành.
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, hiện Hà Nội có 29 cơ sở kinh doanh ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Để quảng bá thu hút khách và khai thác, phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực trở thành thế mạnh của Thủ đô, Sở Du lịch Hà Nội sẽ xây dựng bản đồ Food tour (du lịch ẩm thực) để du khách có thể tự mình khám phá, trải nghiệm ẩm thực Hà Nội.
Thông qua hoạt động này, Hà Nội quảng bá hệ thống nhà hàng được gắn sao Michelin và những nhà hàng, quán ăn uy tín khác của Thủ đô trong các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế.
Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở ăn uống sau khi lọt vào danh sách đánh giá của Michelin cũng đang nỗ lực xây dựng hình ảnh, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là việc bảo đảm VSATTP. Chủ chuỗi nhà hàng Ngon Garden và Quán Ăn Ngon (trong danh sách của Michelin) Phạm Bích Hạnh chia sẻ, nhằm bảo đảm chất lượng ẩm thực phục vụ khách, nhà hàng kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm từ đầu vào và khâu chế biến; thực phẩm tươi sống được bảo quản cấp đông đúng quy trình.
Nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ du khách và người dân, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã thành lập 620 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành kiểm tra được 9.018 cơ sở, trong đó có 8.192 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 90,8%) và phát hiện, xử phạt 724 cơ sở vi phạm quy định về ATTP với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.
Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết, trên địa bàn quận hiện có 2.735 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 1 trung tâm thương mại, 2 siêu thị, 4 chợ có hoạt động bán hàng thực phẩm, trong đó nhiều cơ sở thu hút đông du khách.
Sau 1 tháng ra quân, cơ quan chức năng đã yêu cầu đóng cửa, đình chỉ hoạt động 9 cơ sở vi phạm ATTP. Điển hình như quán Thế giới ngan (ở số 49 phố Ngô Quyền) vào cuối tháng 4/2024 bị thực khách phát hiện trong bát nước chấm và lọ tương ớt có rất nhiều dòi, sau đó cơ quan chức năng đã xử phạt 6 triệu đồng.
“Khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng của quận Hoàn Kiếm kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện VSATTP, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP và yêu cầu đóng cửa dừng kinh doanh” - bà Phạm Thị Thanh Nhàn khẳng định.
Cũng giống như quận Hoàn Kiếm, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024, huyện Thanh Trì đã thành lập 35 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Số cơ sở được kiểm tra đợt này là 399, qua đó xử phạt 12 cơ sở với tổng số tiền 39 triệu đồng, đồng thời tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá 27 triệu đồng.
“Huyện Thanh Trì là địa phương lưu giữ nhiều món ăn ngon của Hà Nội như bánh cuốn, để giữ và xây dựng hình ảnh du lịch ẩm thực cho địa phương. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra cũng đã kiên quyết xử lý, không nể nang trong xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm... Nhờ đó, nhiều năm qua, huyện Thanh Trì không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng nhấn mạnh.
Thông tin về việc bảo đảm ATVSTP trong quá trình xây dựng tour ẩm thực, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, tới đây, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan có những quy định cụ thể về chất lượng đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống, thực phẩm để xây dựng bản đồ ẩm thực Food tour.
“Cơ sở ăn uống được giới thiệu trong bản đồ ẩm thực của Hà Nội phải đạt tiêu chí hàng đầu là VSATTP. Các đơn vị phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện như trong Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Việt Nam” - bà Đặng Hương Giang nêu rõ.