Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao vai trò của các nhà máy xử lý rác áp dụng công nghệ mới.
Thừa rác, thiếu nguồn nguyên liệu
Trên địa bàn TP, các bãi rác tự phát xuất hiện rất nhiều trên các tuyến đường, tuyến phố, các vị trí “chân rác” gây ô nhiễm, mất mỹ quan do không thường xuyên được thu gom, vận chuyển. Mặc dù chưa có thống kê khối lượng cụ thể, tuy nhiên tình trạng này đã gây rất ra nhiều bức xúc, nhận phải những phản ánh của người dân đề nghị chính quyền địa phương yêu cầu đơn vị thu gom thực hiện nghiêm túc.
Một phần nguyên nhân dẫn đến tồn tại nêu trên được chỉ ra là do các bãi chôn lấp tập trung đến nay đã quá tải khiến đơn vị thu gom gặp khó khăn, nên xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ.
Mặt khác, phương pháp xử lý cũ cũng đã không còn phù hợp với nhu cầu thực tế vì việc chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường bởi khí thải, mùi hôi, nước rỉ rác, các chất ô nhiễm tồn lưu. Chính vì vậy, các chuyên gia về môi trường cho rằng, TP cần nhiều hơn vai trò của các nhà máy công nghệ, có năng lực xử lý khối lượng rác thải lớn và liên tục.
Ví dụ: Riêng trong 7 ngày Tết, lượng rác thải phát sinh tăng 35 - 40% so với ngày thường. Trung bình, hai khu xử lý rác của TP tiếp nhận trên 8.500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Do dự báo lượng rác thải sinh hoạt tăng cao dịp Tết, Sở TN&MT đã chủ động công tác phân luồng, chỉ đạo hai khu xử lý chất thải của TP tiếp nhận rác 24/24; đặc biệt là chỉ đạo Nhà máy Điện rác Sóc Sơn tăng công suất tiếp nhận khoảng 3.000 tấn/ngày nên không xảy ra sự cố ùn ứ rác. Có thể thấy, việc tăng công suất đã tạo hiệu ứng ngay lập tức, bởi trước đó nhà máy điện rác Sóc Sơn hoạt động ổn định giai đoạn 1 với công suất xử lý rác 800 - 1.000 tấn/ngày.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, trước hết cần giải bài toán thừa rác nhưng thiếu đầu vào cho các nhà máy. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thành Quang Nguyễn Thanh Quang cho biết, Nhà máy xử lý rác Phương Đình trước đó phải tạm dừng hoạt động do không đủ nguồn rác thải xử lý.
Khi vận hành lại vào năm nay, từ khối lượng xử lý 800 tấn rác thải/ngày đã được phân luồng, đơn vị kỳ vọng tăng lên thành 850 tấn/ngày để phù hợp với công nghệ. Hay tại nhà máy Seraphin, hiện đang được quy hoạch với công suất xử lý 1.500 tấn rác khô trên/ngày đêm nhưng theo đại diện đơn vị chủ đầu tư, nếu nâng công suất lên thành 2.000 tấn/ngày đêm, nhà máy vẫn có thể đáp ứng khi đưa vào vận hành.
Nâng cao trách nhiệm phân loại tại nguồn
Theo các chuyên gia, bất kể phương pháp xử lý cuối nguồn ra sao thì công tác phân loại rác thải đầu nguồn vẫn bắt buộc phải thực hiện; qua đó tạo tiền đề cho các hoạt động tái chế như vi sinh rác hữu cơ, quay vòng sử dụng rác thải nhựa, và đảm bảo rác thải còn lại đưa vào nhà máy sẽ phù hợp với nhiệt lượng yêu cầu. Các nước phát triển tái tạo được năng lượng từ rác là vì làm tốt phân loại rác tại nguồn.
Nếu như có thể phân loại thành loại rác có thể đốt được và loại rác không đốt được sẽ hạn chế rất nhiều tro xỉ. Rác hữu cơ có nhiệt lượng không phù hợp phương pháp đốt nhưng có thể ủ làm phân bón. Riêng các loại rác không đốt được, dù phải áp dụng chôn lấp nhưng cũng đã giảm tải được rất nhiều cho các bãi vì đã được tái sử dụng một phần.
PGS. TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Khoa học Công nghệ, cho rằng, Nhà máy điện rác Sóc Sơn hiện nay có thể đốt bất cứ loại rác nào, xử lý rác một cách rất đơn giản, không cần phân loại. Việc này phần nào giải quyết được vấn đề về phương tiện vận chuyển riêng cho từng loại rác, vốn phải xây dựng lịch thu gom rất phức tạp. Tuy nhiên, đây lại được cho là điểm bất cập khi các loại rác hữu cơ chứa hàm lượng nước lớn, nhiệt trị rất thấp sẽ rất khó cháy, sinh ra lượng tro xỉ lớn và tạo ra như cầu chôn lấp mới. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền người dân thực hiện phân loại, cần nâng cao trách nhiệm của các đơn vị thu gom trong thực hiện đầy đủ các cam kết gói thầu.
Theo các chuyên gia, việc sớm đưa các dự án nhà máy điện rác vào hoạt động sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề đang còn tồn tại. Các lò đốt chất thải công suất nhỏ không đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải đô thị, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường cao và không tận dụng được nguyên liệu, năng lượng trong chất thải. Trong khi đó, nhiều nước phát triển coi rác thải là nguồn tài nguyên, công nghệ xử lý rác thu hồi năng lượng, giảm thiểu chôn lấp đang là xu thế chung của thế giới.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết, lấy ví dụ tại Trung Quốc, đã có quy chuẩn chi tiết về lò đốt chất thải thu hồi năng lượng. Trong đó các quy chuẩn về khí thải, vận hành, nhiệt độ trong lò, hệ thống theo dõi để đánh giá công nghệ đó như thế nào, thậm chí là hệ thống chấm điểm rất chi tiết. Do đó, chúng ta cần phải học hỏi để dễ chọn lựa, dễ giám sát và không lúng túng về mặt công nghệ.
Để làm được điều này, nhiều ý kiến đóng góp cho rằng các địa phương cần phải có nghiên cứu và hướng dẫn thật cụ thể, xây dựng hành lang pháp lý quy định, quy chuẩn về việc đốt rác để thu về năng lượng; đồng thời, tháo gỡ khó khăn tồn tại ở các dự án nhà máy xử lý rác thải đã đầu tư xây dựng, tránh gây lãng phí nguồn lực xã hội. Suốt quá trình vận hành, cần đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý rác thải luôn được thuận tiện, an toàn, thông suốt cho công tác vận hành khu xử lý.
"Việc sớm đưa vào vận hành các nhà máy điện rác là nhiệm vụ tất yếu mà Hà Nội cần phải thực hiện, bởi công nghệ tiên tiến của các nhà máy sẽ góp phần quan trọng trong giảm thiểu tác hại của rác thải đối với môi trường, tạo ra nguồn năng lượng tuần hoàn. Bên cạnh đó, TP cũng có thể nghiên cứu, phê duyệt bổ sung khối lượng xử lý cho mỗi nhà máy nhằm tận dụng tối đa năng lực vận hành từng tổ máy, cũng như tránh phát sinh thêm các dự án tiêu tốn nguồn lực." - Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ
"Do chưa lường hết được những khó khăn, vướng mắc thực tế trong việc triển khai dự án, lựa chọn công nghệ, dây chuyền thiết bị, máy móc, nguồn nguyên liệu… nên dẫn đến Dự án Nhà máy xử lý rác Phương Đình không triển khai thực hiện theo đúng tiến độ được UBND TP phê duyệt. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, qua rút kinh nghiệm những vướng mắc mà chúng tôi gặp phải đã từng bước được giải quyết. Trong đó, UBND TP đã có văn bản chấp thuận điều chỉnh, nâng công suất hoạt động của nhà máy tại huyện Đan Phượng để tạo điều kiện sớm đưa vào hoạt động." - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thành Quang Nguyễn Thanh Quang