Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm sao giảm bớt áp lực một kỳ thi?

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/6, Kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội bắt đầu với môn Ngữ văn. Buổi chiều, học sinh thi Ngoại ngữ. Sáng chủ nhật 11/6, thí sinh thi Toán. Năm nay, Hà Nội có 129.210 học sinh tốt nghiệp THCS.

Với chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập là 72.000, tỷ lệ học sinh có cơ hội trúng tuyển lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội là 66,5%. Theo Sở GD&ĐT, tỷ lệ chọi trung bình vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội năm nay khoảng 1/1,79, cao nhất trong ba năm qua.

Có thể nói, với các thí sinh tham gia kỳ thi, cha mẹ các em và cộng đồng xã hội được coi là một kỳ thi đầy áp lực. Thậm chí đã có ý kiến cho rằng, nó còn tạo áp lực hơn cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.

Sỡ dĩ nói vậy là bởi hai lẽ. Thứ nhất, với các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, dù kết quả ra sao, các em cũng đã đủ lớn để có thể tìm một hướng đi khác, tìm việc làm, đi học nghề, hay tự ôn tập để tìm cơ hội cho mùa thi năm sau.

Còn với các thí sinh tham gia thi vào lớp 10 THPT, ở độ tuổi mới lớn, các em sẽ khó khăn hơn khi không đậu vào lớp 10 các trường THPT công lập, mặc dù về lý thuyết, nếu không đậu các em vẫn có thể vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Thứ hai, những năm gần đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng đã có những thay đổi tích cực, nhờ đó mà giảm áp lực cho thí sinh và cha mẹ các em.

Trong khi đó thì ở hầu hết các địa phương việc tổ chức thi tuyển vào lớp 10 không mấy thay đổi. Thêm vào đó, sự khác biệt giữa các trường về chất lượng dạy và học, vị trí địa lý, cơ sở vật chất… cũng làm cho cuộc đua vào các trường THPT công lập, đặc biệt là các trường tốp trên thêm nóng.

Với áp lực căng thẳng như vậy, để giành một suất vào lớp 10 công lập, các cô cậu học sinh lớp 9 phải rất vất vả để ôn luyện. Tuy không có thống kê cụ thể, song việc học sinh tham gia nhiều lớp học thêm, luyện thi là rất phổ biến.

Điều đó ảnh hưởng rất nhiều tới thời gian, tiền bạc, công sức của các em và gia đình. Sức khỏe thể chất và tinh thần của các em đang ở lứa tuổi mới lớn cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Cũng chính vì sự căng thẳng của kỳ thi, ngành giáo dục và đào tạo, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã dành sự quan tâm thích đáng, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi để đạt kết quả cao.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nguồn điện khó khăn, các đơn vị đều đã có phương án dự phòng, tại tất cả các điểm thi đều có máy phát điện và xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống bất ngờ như mưa to, úng ngập, mất điện, nắng nóng gay gắt hoặc các trường hợp thí sinh có sức khỏe bất thường trong thời gian làm bài...

Sự quan tâm của xã hội, ngành giáo dục, gia đình… là rất quan trọng giúp các thí sinh vượt qua những khó khăn, vất vả của kỳ thi. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, đó vẫn là những giải pháp tình thế. Vẫn còn đó câu hỏi làm sao để giảm bớt áp lực của kỳ thi?

Về lâu về dài, ngành giáo dục và đào tạo vẫn cần những giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc những yếu tố tạo áp lực không đáng có của kỳ thi này, trong khi chưa đủ điều kiện bỏ kỳ thi như một số nơi đã thực hiện.

Đó là việc phân luồng học sinh, giáo dục hướng nghiệp, tạo mặt bằng tương đối đồng bộ về chất lượng dạy và học giữa các nhà trường, cả công lập và tư thục…

Về phía các gia đình, các bậc phụ huynh cũng cần có nhận thức đúng đắn về con đường và cơ hội học tập của các em, đặt ra yêu cầu, sự lựa chọn phù hợp với khả năng, thiên hướng của trẻ, tránh tạo áp lực quá nặng nề cho con em mình.