Mạnh tay xử lý dự án chậm triển khai

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong một thời gian ngắn, với số lượng hơn 700 dự án chậm triển khai, tổng diện tích đất được cấp là trên 5.000ha đến nay Hà Nội chỉ còn 293 dự án cần phải xử lý.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải khẩn trương giải quyết, cơ bản xử lý xong vấn đề này trong năm 2023. Đây là điều thể hiện sự quyết liệt của chính quyền TP Hà Nội đối với vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua.

Vấn nạn dự án bỏ hoang

Thực trạng về các dự án “treo”, chậm triển khai là vấn đề gây nhức nhối dư luận của rất nhiều địa phương trên cả nước, trong đó chiếm số lượng nhiều hơn cả là các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Hàng chục năm qua, câu chuyện về những dự án chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội không chỉ thu hút sự chú ý từ cơ quan báo chí, truyền thông, mà còn là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý và cả người dân đặc biệt quan tâm, bởi nó là tài nguyên quý và là nguồn lực quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như sự tồn tại của con người.

Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khoá XVI, được tổ chức mới đây, UBND TP đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND của HĐND TP về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.

Theo đó, 712 là con số được nhắc đến liên quan đến các dự án sử dụng đất chậm triển khai, tổng diện tích đất đã được cấp hơn 5.000ha, mà suốt hàng chục năm qua chính quyền TP không thu được bất cứ đồng nào bổ sung vào ngân sách để dành cho việc tái thiết, đầu tư mới phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

Một dự án bỏ hoang tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Ảnh: Doãn Thành
Một dự án bỏ hoang tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Ảnh: Doãn Thành

Thật xót xa, nhưng cũng phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề bởi nó là thực tế đang diễn ra.

Chẳng nói đâu xa, ngay ở những quận trung tâm, hàng loạt dự án được ưu tiên nằm ở vị trí “đất vàng” cũng đang trở thành những khu đất, công trình hoang, như: Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (quận Nam Từ Liêm) nằm tại lô 10E6, Khu đô thị mới Cầu Giấy, với số vốn hơn 2.500 tỷ đồng, sát với tuyến đường Vành đai 3, triển khai từ năm 2014; đối diện là dự án Apex Tower (lô HH3, đường Phạm Hùng) diện tích 2.780m2, khởi công từ năm 2008 nhưng đến nay cũng chỉ hoàn thiện phần thô.

Trong tình trạng tương tự là tòa nhà Tokyo Tower tọa lạc tại số 48 Vạn Phúc (quận Hà Đông) diện tích đất gần 4.600m2, còn có tên gọi khác là chung cư Vinafor hay Hanoi Landmark 51 Tower.

Cũng tại quận Hà Đông, dự án chung cư cao cấp Golden Millenium Tower, tọa lạc trên phố Trần Phú, với tổng vốn đầu tư trên 900 tỷ đồng, khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thiện.

Cùng chung số phận là dự án Sky Garden Towers, ngõ 115 Định Công (quận Hoàng Mai), tổng diện tích 7.000m2 khởi công từ năm 2012, đến nay đang dừng lại ở 8 tầng nổi và 2 tầng hầm...

Ở giữa trung tâm còn như vậy thì ở những địa bàn như: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì... vốn là những đơn vị hành chính cấp huyện, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa thực sự đồng bộ, việc hàng trăm dự án bị bỏ hoang cũng là điều dễ hiểu.

Hầu hết những dự án này có điểm chung chủ đầu tư đều là người có tầm nhìn dài hạn, đi trước đón đầu quy hoạch của Nhà nước đến hàng chục năm, xin đất làm dự án nhưng không chịu bỏ tiền làm hạ tầng bên ngoài, chờ Nhà nước đầu tư xong để giá lên cao rồi mới bắt tay vào đầu tư để bán hưởng lợi, dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai, gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước.

Quyết liệt xử lý

Trước sức ép của dư luận, suốt thời gian qua chính quyền TP Hà Nội đã vào cuộc một cách quyết liệt, nhưng làm việc lặng lẽ, không ồn ào “khua chiêng gõ trống”. Để rồi tại Kỳ họp lần thứ 12, HĐND TP khóa XVI, một số lượng công việc lớn hoàn thành đã được UBND TP báo cáo chi tiết với các đại biểu HĐND TP.

Theo đó, với số lượng 712 dự án ban đầu bao gồm cả dự án chưa có quyết định giao đất, đến nay chỉ còn 293 dự án cần xử lý (giảm 419 dự án, tương đương với 58,8%).

Cụ thể, lũy kế đến ngày 27/6 đã đưa 74/135 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất ra khỏi danh sách chậm triển khai; 11/135 dự án đang triển khai theo tiến độ được phê duyệt điều chỉnh; còn 50 dự án phải xử lý (giảm 85 dự án tương đương 62,9% so với số lượng 135 dự án ban đầu), UBND TP giao Sở KH&ĐT thực hiện giám sát, đánh giá, tiếp tục khắc phục, xử lý theo quy định pháp luật đối với từng dự án.

Đối với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 169 dự án đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 85 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, đã xử lý theo quy định (UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng); số dự án còn phải xử lý là 150 (giảm 254 dự án tương đương 62,8% so với số lượng 404 dự án ban đầu), đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đề xuất biện pháp khắc phục, xử lý cụ thể theo quy định đối với từng dự án.

Đối với 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý: 32 dự án đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 48 dự án đã xử lý theo quy định; Còn phải xử lý 93 dự án (giảm 80 dự án tương đương 46,2% so với số lượng 173 dự án ban đầu).

 

 

Tình trạng dự án “treo” còn có những tác động xã hội khá mạnh khác, đó chính là niềm tin của người dân vào chính sách của Nhà nước. Nhiều người dân bị thu hồi đất đã phản ứng mạnh mẽ, thậm chí làm đơn khiếu kiện... Người dân đang sử dụng đất tạo ra sinh kế, giờ họ bị thu hồi và chủ đầu tư để đấy cho cỏ mọc, những tác động trực diện vào mắt như thế nên bất cứ ai cũng cảm thấy xót xa. Vì vậy, cần phải quản lý chặt chẽ và xử lý kịp thời nếu có sai phạm xảy ra.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ

 

Để xử lý 293 dự án còn lại, với số lượng công việc rất lớn, nhưng Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã phải quyết liệt, khẩn trương tháo gỡ, xử lý, giải quyết đến từng dự án, cơ bản xong trong năm 2023.

Đánh giá về vấn đề này, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam - KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, những dự án chậm tiến độ không chỉ tạo ra khung cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế, kéo theo đó là mầm mống phát sinh của hàng loạt những vấn đề bất cập khác.

“Ở một đô thị đất chật người đông như Hà Nội, nguồn lực đất đai phải được sử dụng vào việc xây dựng nhà ở, trường học, dịch vụ xã hội... để mang lại lợi ích cho người dân, cho Nhà nước. Với việc những dự án “đắp chiếu” thì cũng đồng nghĩa với việc hiệu suất sử dụng đất bằng “0”, đất đai không được sử dụng để mang lại lợi ích phát triển kinh tế - xã hội. Từ nhiều năm qua chính quyền TP Hà Nội đã liên tục thông báo rà soát dự án “treo", nhưng cho tới nay, chính quyền TP mới thể hiện được quyết tâm trong việc xử lý vấn đề mang tính nhức nhối suốt một thời gian dài” - KTS Phạm Thanh Tùng nói.

Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, cần phải siết chặt hơn nữa việc thực thi quy định pháp luật về quản lý đất đai, bởi thời gian qua việc hình thành các dự án có sử dụng quỹ đất lớn liên quan nhiều đến “nhóm lợi ích”, dựa vào quan hệ xin - cho, nên việc quản lý hết sức lỏng lẻo, thiếu sự thanh - kiểm tra, xử lý, nên đã dẫn đến hệ quả hàng nghìn hécta đất dự án bị bỏ hoang đến trên 20 năm.

Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu đề ra, TP Hà Nội cần siết chặt chế tài và thực thi một cách minh bạch, công bằng; công khai các dự án chậm triển khai đang trong diện xử lý để toàn thể Nhân dân có thể cùng theo dõi, giám sát.