Đây được đánh giá là công tác trọng tâm của Bộ Tài chính trong thời gian qua. Nâng hạng thị trường là một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển TTCK Việt Nam thời gian tới.
Theo các tổ chức tài chính quốc tế, việc nâng hạng TTCK có thể mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Và Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI. Ngân hàng Thế giới đánh giá cao và đồng ý với cách tiếp cận hiện tại của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là ưu tiên việc nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp bởi FTSE Russell trước, nhưng cần lưu ý rằng phần lớn vốn đầu tư mới sẽ đến từ việc nâng hạng bởi MSCI.
Bộ Tài chính đã tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI nhằm tìm hiểu các tiêu chí phân loại thị trường của các tổ chức này và trao đổi thông tin về các nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý của Việt Nam.
Về nâng hạng, các tổ chức xếp hạng quốc tế chia TTCK làm 4 nhóm chính.
Nhóm thứ nhất, thị trường phát triển có vốn lớn, có độ mở cao, các sản phẩm trên thị trường này có độ phức tạp cao, có sự luân chuyển.
Nhóm thứ hai, TTCK mới nổi có khả năng cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận, tính quy mô thanh khoản ở mức cao, quy định pháp lý chặt chẽ. Tổ chức xếp hạng hiện tại chia nhóm này làm hai thứ hạng là thị trường mới nổi bậc cao và thị trường mới nổi thứ cấp.
Nhóm 3 là TTCK cận biên. Việt Nam đang ở thứ hạng này là nhóm thị trường đã bắt đầu có tiếp cận vốn nước ngoài.
Nhóm 4 là nhóm TTCK chưa được xếp hạng.
Sau thời gian nỗ lực, đến nay Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí. Hiện, còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện, đó là ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Phía Ủy ban Chứng khoán đã trao đổi với các tổ chức xếp hạng quốc tế để tìm giải pháp ký quỹ và trình Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi bổ sung một số văn bản, trước mắt không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm hoạt động nước ngoài, hoạt động thanh toán.
Như vậy, sự quyết tâm có, đường hướng có rồi, các vấn đề tồn tại cũng được nhận diện đầy đủ, câu chuyện còn lại là để TTCK ổn định, phát triển bền vững thì cần thực hiện đồng bộ và có mốc thời gian cụ thể cho từng mục tiêu.
Theo các chuyên gia, mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, Việt Nam cố gắng thực hiện sớm nhất có thể là năm 2025, và cần sự nỗ lực của nhiều bên.
Các cơ quan chức năng cần thể hiện quyết tâm hơn nữa bằng việc đưa ra các vấn đề cần giải quyết để thực hiện đồng bộ và có mốc thời gian cụ thể cho những mục tiêu phải làm, đồng thời phải văn bản hóa các cam kết này. Có như vậy, mới giải quyết được vấn đề nhanh chóng và phát triển thị trường như kỳ vọng.