Nhiều khó khăn và áp lực

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thi công công trình hạ tầng trong đô thị là thách thức lớn, đặc biệt đối với một TP đông dân cư và phương tiện nhưHà Nội. Rất nhiều dự án đường bộ, đường sắt buộc phải vừa thi công, vừa bảo đảm giao thông giữa nhiều khó khăn và áp lực mà ít ai thấu hiểu.

Đào đâu cũng đụng

Hà Nội đang dốc toàn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của hơn 10 triệu dân, gần 8 triệu phương tiện. Hàng loạt dự án lớn như: tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 3, cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, đường An Dương - Âu Cơ… đã hoàn thành đưa vào sử dụng hoặc đang nỗ lực về đích. Và điểm chung của các dự án này là phải đối diện, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức trong quá trình thi công.

Trưởng Phòng Quản lý dự án 2, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Bùi Mạnh Cường cho biết, việc thi công dự án đường bộ trong nội thành Hà Nội thường xuyên gặp phải những vấn đề phức tạp, những khó khăn phát sinh mới khó lường. Ví dụ như dự án mở rộng đường Âu Cơ hay hầm chui Kim Đồng… đều phải tổ chức thi công trong điều kiện mặt bằng chật hẹp, không có chỗ tập kết vật tư, vật liệu.

Thi công Ga ngầm S12 dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Nhổn - Ga Hà Nội). Ảnh: Phạm Hùng
Thi công Ga ngầm S12 dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Nhổn - Ga Hà Nội). Ảnh: Phạm Hùng

Đất thải đào lên phải di chuyển đi ngay nên việc đào múc, vận tải phải làm cùng một thời điểm vào ban đêm. Phạm vi công trường nhỏ, không thể hoạt động nhiều xe, máy cùng lúc, nếu gặp mưa lớn phải tạm ngừng, dẫn đến tiến độ rất khó bảo đảm.

Mặt khác, sau nhiều năm xây dựng, bổ sung, hệ thống đường ống, dây cáp ngầm bên dưới công trình rất nhiều, lại không còn lưu trữ được hồ sơ kỹ thuật. Có đoạn tính toán được từ đầu, có đoạn múc lên mới thấy hạ tầng ngầm, phải tạm dừng để phối hợp với các đơn vị chủ quản lên phương án di dời, mất thêm nhiều thời gian, chi phí.

Bên cạnh đó việc thi công chỉ được cấp phép tạm thời theo từng đoạn để phù hợp với phương án tổ chức giao thông, hoặc như dự án mở rộng đường Âu Cơ còn phải tạm dừng trong mùa mưa bão, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ chung của dự án.

Lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội chia sẻ, nhiều dự án sửa chữa, nâng cấp đường sá bị người dân phản ánh là không bảo đảm vệ sinh môi trường. Trong đó có nguyên nhân khách quan bất khả kháng, rất cần được cảm thông và chia sẻ. Ví dụ như, việc phun nước chống bụi trên đường, trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, mỗi lần phun chỉ có tác dụng trong khoảng 10 - 15 phút, sau đó đường lại khô, bụi bặm; không thể cứ 15 phút lại phun nước, có thể còn làm đường trơn trượt, gây mất ATGT.

Chuyên giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu phân tích, việc thi công công trình giao thông giữa lòng TP đông dân cư là vô cùng khó khăn. Các khu vực đông dân cư thì mật độ đi lại cao, không gian thi công chật hẹp, nhiều công trình hạ tầng ngầm bên dưới mà cơ quan quản lý địa phương hoặc ngành dọc, qua nhiều thời kỳ, biến động cũng không nắm hết được.

“Thiếu hồ sơ kỹ thuật, quá trình chuẩn bị thi công không có phương án dự trù nên khi đào bới lên, thấy hạ tầng ngầm buộc phải dừng để xử lý. Đơn vị làm đường lại không thể tự ý di dời dây cáp, đường ống ngầm, phải chờ đơn vị chủ quản đến rà soát, chuyển đi. Đôi khi công đoạn này không dễ dàng, nhanh chóng như mong đợi” - ông Lê Trung Hiếu nói.

Áp lực vô hình

Cùng với những khó khăn về mặt kỹ thuật, quá trình thi công các dự án giao thông trong đô thị còn phải chịu nhiều áp lực vô hình nhưng rất nặng nề từ phía người dân và dư luận.

Trưởng Phòng Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Bùi Mạnh Cường chia sẻ: “Ví dụ như việc di chuyển tạm thời tủ điện, tủ nước nằm trong phạm vi dự án. Dọc đường phố trong nội thành nhà cửa san sát, đặt các hộp tủ lớn trước cửa nhà dân là bị phản ứng gay gắt, mà không di chuyển ra thì không có mặt bằng thi công”.

Có trường hợp khó khăn hơn nữa như dự án ĐSĐT số 3 Nhổn - Ga Hà Nội từng gặp phải là bị người dân kiến nghị làm lún nứt nhà. Trên thực tế trước khi thi công, chủ đầu tư và nhà thầu đã đề nghị người dân phối hợp kiểm đếm, ghi nhận hiện trạng nhà ở nhưng không được chấp thuận. Khi nhà lún nứt không có cơ sở nào để khẳng định do ảnh hưởng từ công trình ĐSĐT, dẫn đến không thể làm rõ trách nhiệm và có phương án giải quyết thỏa đáng cho cả hai bên.

Thạc sĩ Lê Trung Hiếu chia sẻ: “ĐSĐT là một công trình phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, bản thân các đơn vị thi công và chủ đầu tư đều có ý thức chuẩn bị cũng như tinh thần trách nhiệm với người dân. Nhưng người dân không phối hợp thì không thể bảo đảm an toàn cũng như tìm hướng xử lý chính xác các vấn đề phát sinh”.

Bên cạnh đó thông tin từ các kênh truyền thông, báo chí cũng là một loại áp lực rất lớn mà các công trình giao thông phải đối diện. Có những vấn đề được phản ánh nhanh nhưng chưa toàn diện, đặc biệt là các tình huống mà quy định của pháp luật còn chưa đầy đủ, rõ ràng, hoặc trường hợp bất khả kháng. Thiếu đi sự cảm thông, chia sẻ của báo chí, truyền thông, chủ đầu tư, nhà thầu thi công sẽ khó khăn hơn rất nhiều trước dư luận xã hội.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng chậm tiến độ, phát sinh vấn đề còn có lỗi chủ quan từ phía chủ đầu tư và các nhà thầu thi công. Nguyên nhân lớn nhất là quá trình chuẩn bị đầu tư không kỹ càng, toàn diện nên khi bắt tay vào làm gặp khó khăn dễ dẫn đến bế tắc.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, dù đã có nhiều kinh nghiệm về việc phát sinh công trình ngầm, nổi ngoài dự tính ban đầu, một số công trình vẫn chưa có phương án ứng phó hiệu quả. Sự phối hợp giữa các đơn vị làm đường và quản lý hạ tầng ngầm chưa tốt, chậm trễ trong xử lý. “Để giải quyết vấn đề này TP Hà Nội cần có một bộ quy tắc chung, trong đó nêu rõ cách thức, thời hạn xử lý công trình ngầm và trách nhiệm của từng bên” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.

Mặt khác chủ đầu tư và nhà thầu thi công các dự án phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, trước hết là thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân về dự án cũng như những sự bất tiện mà nó mang lại. Ví dụ như dự án thi công cống thu nước thải trên đường: Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Vũ Trọng Khánh, Lương Thế Vinh… thời gian qua thường rào chắn bất ngờ, khiến người dân vừa đi lại khó khăn, vừa bức xúc rất lớn.

Chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng phương án tổ chức giao thông, có rào chắn, thiết bị cảnh báo và người hướng dẫn phân luồng qua khu vực thi công. Khâu quan trọng này lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ ở nhiều dự án cho đến khi dư luận phản ánh liên tiếp mới được chấn chỉnh.

Có thể thấy, thi công hạ tầng trong đô thị luôn gặp muôn vàn khó khăn, đòi hỏi chủ đầu tư, nhà thầu luôn phải nỗ lực hết sức, có sự chuẩn bị tốt cả với những vấn đề phát sinh ngoài dự tính. Bên cạnh đó cũng rất cần người dân và dư luận xã hội cảm thông, chia sẻ, ủng hộ về mặt tinh thần cũng như bằng hành động trong thực tế với các dự án giao thông.