Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông cổ mín đàm và cuộc vận động cải cách kinh tế đầu thế kỷ XX

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc vận động này được phát động trên báo Nông cổ mín đàm do hai chủ bút là Lương Khắc Ninh và Trần Chánh Chiếu thay nhau dẫn dắt từ 1901 đến 1908. Kết quả là phong trào Minh Tân diễn ra từ 1906- 1908 trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục ở Nam Kỳ.

Trang nhất và trang trong của tờ báo đăng năm 1912. Ảnh tư liệu
Trang nhất và trang trong của tờ báo đăng năm 1912. Ảnh tư liệu

Hai chủ bút Lương Khắc Ninh và Trần Chánh Chiếu

Với Hiệp ước Giáp Tuất (15/3/1874), toàn bộ Nam Kỳ chính thức trở thành thuộc địa của Pháp. Một số thiết chế dân chủ ở chính quốc được áp dụng ở mức độ có giới hạn tại Nam Kỳ như tự do báo chí, bầu cử… đã tạo điều kiện cho du nhập và phát triển tư tưởng dân chủ tư sản, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, các giá trị văn hóa, giáo dục phương Tây.

Người Pháp sớm tổ chức việc khai thác thuộc địa Nam Kỳ, đầu tư thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; các đồn điền, công xưởng, các công trình hạ tầng giao thông đường thủy, đường bộ và đường sắt được xây dựng. Thương mại nhanh chóng phát triển, đặc biệt là xuất khẩu lúa gạo. Tuy nhiên, nền kinh tế Nam Kỳ chủ yếu nằm trong tay tư sản người Pháp và Hoa kiều. Tiềm lực và vai trò kinh tế của tư sản, điền chủ người Việt rất hạn chế.

Về giáo dục, người Pháp sớm xóa bỏ việc sử dụng chữ Hán, sử dụng chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp, xây dựng nền giáo dục theo mô hình Pháp để phục vụ cho công cuộc cai trị và khai thác thuộc địa, truyền bá tư tưởng và các giá trị văn minh Pháp. Theo đó, tầng lớp trí thức tân học sớm hình thành và khá đông đảo.

Về văn hóa, Nam Kỳ là nơi chịu ảnh hưởng sớm nhất và sâu sắc văn hóa Pháp nhất trong toàn Đông Dương, nhất là về tự do ngôn luận và báo chí. Sau báo chí tiếng Pháp, đầu thế kỷ XX, ở Nam Kỳ có một số tờ báo Quốc ngữ tiến bộ như Nông cổ mín đàm (1901 - 1924), Lục tỉnh tân văn (1907 - 1944)… đã tạo điều kiện cho giới trí thức, điền chủ tranh thủ quyền tự do báo chí để kêu gọi tinh thần yêu nước, đổi mới tư duy kinh tế, đoàn kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh.

Nông cổ mín đàm (trong chén trà bàn chuyện nông thương) là tờ báo kinh tế đầu tiên được toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cấp phép hoạt động ngày 14/2/1901 do Paul Canavaggio, chủ đồn điền, thương gia đồng thời là Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ làm chủ báo. Lương Khắc Ninh là chủ bút từ năm 1901 - 1906 và Trần Chánh Chiếu từ 1906 - 1908. Đây là thời kỳ Nông cổ mín đàm trở thành diễn đàn cải cách kinh tế, và các lĩnh vực khác nữa, của trí thức, giới điền chủ, doanh thương Nam Kỳ.

Lương Khắc Ninh (1862 - 1943), sinh quán ở làng An Hội, tổng Bảo Hựu, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc Bến Tre), trong một gia đình Nho học. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán, sau chuyển sang học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Ông tốt nghiệp trung học tại trường Le Myre De Vilers (Mỹ Tho); từ 1880 - 1883 làm việc ở Sở Thương chánh Bến tre; từ 1889 là thông ngôn ở tòa án Bến Tre.

Năm 1900, ông lên Sài Gòn làm báo; năm 1901 là chủ bút báo Nông cổ mín đàm; năm 1902 trúng cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ; 1906 là thành viên Hội đồng tư vấn Đông Dương; từ 10/1908 là chủ bút báo Lục tỉnh tân văn.

Trần Chánh Chiếu (1868 - 1919) sinh trưởng trong gia đình điền chủ giàu có ở Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Từ nhỏ, ông đã học ở Trường trung học d’Adran (Sài Gòn), sau ra làm giáo học rồi thông ngôn cho tham biện tỉnh Rạch Giá. Ông đầu tư khai phá đất đai, mở phố buôn bán và trở thành người rất giàu có ở Rạch Giá, được bổ hàm Đốc phủ, nhập quốc tịch Pháp.

Năm 1900, ông lên Sài Gòn làm báo và tham gia phong trào Duy tân yêu nước. Năm 1906, ông thay Lương Khắc Ninh làm chủ bút Nông cổ mín đàm, năm 1907 kiêm chủ bút Lục tỉnh tân văn. Ông đã từng sang Hồng Kông gặp Phan Bội Châu, là yếu nhân của phong trào Đông Du ở Nam Kỳ; là thủ lĩnh phong trào Minh tân ở Nam kỳ (1906 - 1908). Ông bị thực dân Pháp bắt giam vào các năm 1908 và 1917.

Phát động cải cách kinh tế

Nông cổ mín đàm là tờ báo đầu tiên, kiên trì và mạnh mẽ phát động cải cách kinh tế ở Nam Kỳ. Chủ xướng và tiên phong là Lương Khắc Ninh. Ngay trên số đầu tiên, trong mục Thương cổ luận là mục quan trọng nhất của báo, Lương Khắc Ninh đã khẳng định mục tiêu cải cách nền kinh tế nước nhà:

“Sự đại thương là đệ nhất cách giúp cho dân phú quốc cường. Xin anh em xét lại mà coi, hễ dân giàu là nước giàu chung, còn dân nghèo thì nước cũng không giàu đặng. Tờ này mới khởi hành, nên tỏ một ít cho chư vị quý nhơn rõ ý nhật báo, chỉ muốn cho người bổ quốc có kỹ nghệ và thương mãi, đặng làm cho hiệp với người Khách và người Thiên trước”.

Trong thời kỳ làm chủ bút, ông đã viết hàng trăm bài báo hô hào cải cách kinh tế. Riêng mục Thương cổ luận, ông viết khoảng 120 bài, ngoài ra ông còn viết các loạt bài “Đại thương hiệp bổn cách”, “Lập thương cuộc”, “Hiệp bổn chiêu thương”, “Hiệp bổn tài thọ”. Tất cả các bài viết của ông đều vạch ra những hạn chế trong tư tưởng kinh tế của người Việt, phân tích những mô hình làm ăn của người Pháp, người Hoa, kêu gọi người Việt hay đổi tư duy làm ăn, góp vốn lập công ty để cạnh tranh với người Pháp, người Hoa.

Theo Lương Khắc Ninh, thói hư tật xấu của người Việt trong cuộc sống và kinh doanh là thiếu đoàn kết, không tin tưởng nhau. Ông viết: “Người nước mình hẹp tình cùng nhau, còn ai khó nấy chịu, bởi vậy cho nên phú hậu nước Nam ta không bền vững đặng, cũng bởi lượng hẹp và tính khắc ai ai cũng muốn một mình hơn mà thôi”.

Ông phê phán thói chụp giựt, tham vặt, không coi trọng chữ tín, thiếu hợp tác trong kinh doanh, không dám làm ăn lớn như người phương Tây. Đó còn là tư tưởng an phận, sớm lo hưởng thụ; lãng phí thời gian, chỉ biết làm nông theo mùa, dễ làm khó bỏ, chê bai người nghèo… Từ đó, ông kêu gọi và hướng dẫn người Việt hợp tác và đầu tư kinh doanh theo cách của người Tây và người Hoa để trở nên giàu có và giúp đỡ được người nghèo.

Lấy dẫn chứng tư sản Pháp và Hoa kiều góp vốn trong vụ xây dựng đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, ông kêu gọi: “Việc buôn bán lớn trong xứ ta, nếu mà người mình mở lòng rộng rãi mà chung vốn cùng nhau, hễ nhiều người thì vốn lớn, buôn bán chi cũng đặng, ắt là lợi lắm…”; “… xin hiệp nhau lại mà buôn bán lúa gạo cho lớn, hoặc hùn vốn mà làm nhà máy xay…”.

Ông còn kêu gọi hùn vốn để mở rộng sản xuất nông nghiệp. Trong hợp tác làm ăn phải có điều lệ, ghi chép kế toán minh bạch rõ ràng. Từ số báo 141 (10/5/1904) đến số 146 (28/7/1904), ông còn mở mục Lập thương cuộc hướng dẫn lập công ty và kêu gọi góp vốn.

Ngoài ra, Nông cổ mín đàm còn in nhiều bài hướng dẫn kỹ thuật canh nông về trồng, chế biến và xuất khẩu tơ tằm, đu đủ tía, dừa, dưa hấu; trồng cỏ để chăn nuôi các loài gia súc… Trong lịch sử báo chí Việt Nam, Nông cổ mín đàm là tờ báo đầu tiên phổ biến khoa học kỹ thuật một cách cụ thể và thiết thực như thế.

Cuộc vận động cải cách trên Nông cổ mín đàm dưới thời Lương Khắc Ninh làm chủ bút đã gây được ảnh hưởng tích cực rộng rãi trong công chúng, đặc biệt là giới trí thức, điền chủ, công chức người Việt có tinh thần dân tộc. Tư tưởng cải cách này tiếp tục được phát triển khi Trần Chánh Chiếu thay Lương Khắc Ninh làm chủ bút (9/10/1906 - 26/5/1908).

Trần Chánh Chiếu tiếp tục vận động người Việt thay đổi tư duy kinh tế, đoàn kết, hợp tác sản xuất kinh doanh để cạnh tranh với người Hoa. Đặc biệt sau khi ông sang Hồng Kông gặp Phan Bội Châu (cuối tháng 6, đầu tháng 7/1907), tư tưởng đó càng được ông thể hiện với tinh thần mạnh mẽ, kiên quyết hơn bằng một loạt bài xã luận kêu gọi Duy tân: “Người Việt muốn tranh quyền lợi cho hơn các Chú, Chà và ít ra phải đồng tâm hiệp lực, bỏ dạ hiềm nghi, lấy lòng quyết đoán rập cực đấu lưng…”. Cũng trong thời gian này, khi đồng thời là chủ bút Lục tỉnh tân văn, Trần Chánh Chiếu đã sử dụng tờ báo này để hiệp lực kêu gọi vận động Minh tân ở Nam Kỳ.

Phong trào Minh tân ở Nam Kỳ với vai trò thủ lĩnh của Trần Chánh Chiếu bùng nổ năm 1906 và bị dập tắt năm 1908. Nhưng tư tưởng cải cách kinh tế của Lương Duy Ninh, Trần Chánh Chiếu và Nông cổ mín đàm thì vẫn tiếp tục ảnh hưởng lâu dài đến các phong trào yêu nước và tư duy kinh tế của người Nam Kỳ. Sử dụng báo chí để truyền bá tư tưởng và tập hợp lực lượng của hai ông vẫn là bài học được phát huy trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng lâu dài ở Việt Nam.