Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách điều trị và phòng ngừa gan nhiễm mỡ

PGS TS BS Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gan nhiễm mỡ là căn bệnh khá phổ biến nhưng nhiều người lại chủ quan vô hại. Nếu mắc phải hậu quả có thể dẫn đến viêm, xơ gan, thậm chí là ung thư gan nếu không được can thiệp sớm.

Khám và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Phạm Hùng
Khám và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Phạm Hùng

Gan nhiễm mỡ và triệu chứng

Bệnh gan nhiễm mỡ (Fatty liver Disease hay Hepatic steatosis) có nghĩa trong gan có mỡ hay gan nhiễm mỡ là hiện tượng tích tụ quá nhiều chất béo ở mô gan và bị viêm. Ở giai đoạn đầu thường không có hại, tuy nhiên triệu chứng viêm gan kéo dài có thể dẫn tới xơ gan và làm giảm chức năng của gan. Bệnh không lây nhiễm từ người sang người và cũng không di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Gan nhiễm mỡ là bệnh rất thường gặp, ai cũng có thể mắc. Đặc biệt là những người uống nhiều rượu bia, béo phì, đái tháo đường, suy giáp, suy tuyến yên, mắc hội chứng buồng trứng đa nang… Theo thời gian, uống quá nhiều rượu dẫn đến tích tụ chất béo bên trong tế bào gan của bạn. Điều này làm cho gan của bạn khó hoạt động hơn. Nhưng cũng có thể mắc bệnh ngay cả khi bạn không uống nhiều rượu. Vì vậy, bệnh gan nhiễm mỡ được phân thành hai loại là gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), gan nhiễm mỡ liên quan đến rượu (ALD).

Với ALD và NAFLD, thường không có triệu chứng. Một số người có thể có các dấu hiệu như mệt mỏi hoặc đau ở phía trên bên phải bụng, nơi có gan. Nếu bị NASH hoặc bị xơ gan, có thể xuất hiện các triệu chứng như sưng bụng, các mạch máu dưới da mở rộng, ngực to hơn bình thường ở nam giới, lòng bàn tay đỏ, da và mắt có màu vàng, do một tình trạng gọi là bệnh vàng da…

Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro

Đối với ALD, nguyên nhân là do uống quá nhiều rượu, béo phì nhất là béo bụng, bị suy dinh dưỡng, bị viêm gan siêu vi mãn tính, đặc biệt là viêm gan C, có gen dễ mắc bệnh hơn, do tuổi tác, tuổi càng lớn tuổi thì càng có nhiều khả năng xảy ra… Lý do mắc NAFLD vẫn chưa được biết đến, rất có thể là do gen, bị thừa cân hoặc béo phì, mắc bệnh tiểu đường loại 2, cholesterol “xấu” (LDL) cao hoặc mức

cholesterol “tốt” (HDL) thấp, nhóm người lớn tuổi. Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang, mắc chứng ngưng thở khi ngủ, mắc chứng suy giáp, tuyến yên hoạt động kém, bị suy dinh dưỡng, tiếp xúc với một số chất độc và hóa chất, mắc hội chứng chuyển hóa, béo bụng, huyết áp cao… cũng có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ.

Chẩn đoán và điều trị

Bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp khác nhau, như hỏi về thói quen sử dụng rượu bia, khám sức khỏe và kiểm tra cơ thể để tìm dấu hiệu của các vấn đề về gan như gan to hoặc vàng da. Xét nghiệm máu để kiểm tra men gan cao như alanine aminotransferase (ALT) và aspartate aminotransferase (AST). Xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Sinh thiết gan và làm các test cần thiết thiết khác…

Không có loại thuốc nào được phê duyệt cho NAFLD, mặc dù một số đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Thông thường, dòng điều trị đầu tiên là giảm cân, giúp giảm mỡ, viêm và sẹo trong gan của bạn. Chỉ giảm 3 - 5% trọng lượng cơ thể của bạn có thể làm giảm lượng chất béo trong gan.

Cân nhắc sử dụng vitamin E cho nhóm không bị đái tháo đường (không được sử dụng cho đàn ông nếu có tiền sử hoặc gia đình bị ung thư tiền liệt tuyến). Kiểm soát rối loạn lipid máu và tiêm phòng viêm gan A, B, C đầy đủ sẽ giúp bạn phòng tránh được virus gây tổn thương gan.

Về phòng bệnh, nên tập thể dục nhiều hơn, cố gắng vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày hầu hết các ngày trong tuần. Hãy đối xử tốt với lá gan, bỏ rượu, chỉ nên dùng thuốc chữa bệnh hoặc thuốc mua tự do theo hướng dẫn của bác sĩ. Giảm cholesterol (mỡ máu) và kiểm soát bệnh tiểu đường nếu mắc bệnh.

Về ăn uống, nên hạn chế chất béo, mỡ động vật, kiêng thực phẩm giàu cholesterol như trứng lộn, nội tạng động vật, đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn chứa lượng cholesterol rất cao... Hạn chế hoặc tránh ăn thịt đỏ vì chứa nhiều protein khiến gan chuyển hóa quá tải. Hạn chế hoa quả chứa đường fructose cao như vải, nho khô, việt quất ngọt, chà là, quả lựu… Tránh thức ăn cay nóng, chất kích thích như rượu, bia hay đồ uống chứa cồn khác.