Động lực từ những buổi hòa nhạc quốc tế
Chuyến lưu diễn Renaissance của nàng “ong chúa” Beyoncé tại Thủ đô Stockholm hồi tháng trước đã được chỉ ra là một nguyên nhân khiến con số lạm phát của Thụy Điển cao hơn dự kiến, bởi nhu cầu khách sạn, nhà nghỉ đồng loạt tăng vọt. Đủ để thấy sức nóng của sự kiện âm nhạc này ghê gớm ra sao. Nhưng Beyoncé không phải là trường hợp duy nhất.
Theo nghiên cứu của công ty khảo sát trực tuyến QuestionPro, chuyến lưu diễn The Eras của nữ ca sĩ từng đạt 12 giải Grammy, Taylor Swift, có thể tạo ra 5 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ nhờ việc mỗi khán giả ước tính sẽ chi tiêu trung bình 1.300 USD cho một đêm diễn, bao gồm tiền vé, chi phí ăn ở, đi lại…
Các sự kiện âm nhạc từ lâu đã là một phần thiết yếu của nền kinh tế địa phương, khi chúng mang lại lượng khách du lịch đông đảo, tạo việc làm và thu nhập cho các DN cũng như người dân bản địa. Các sự kiện âm nhạc quốc tế còn có thể thúc đẩy những đồng nội tệ đang mất giá - vấn đề của nhiều quốc gia hiện nay giữa cơn bão lạm phát.
Liên quan đến câu chuyện này, thế giới hẳn chưa quên sự thành công của ban nhạc huyền thoại The Beatles từng góp công “giải cứu” đồng bảng Anh hồi đầu những năm 1960. Thời điểm đó, tỷ giá hối đoái tiền tệ quốc tế đã được cố định thông qua hệ thống Bretton Woods ra đời vào năm 1944. Một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2014 chỉ ra rằng điều này đã khiến Vương quốc Anh rơi vào tình trạng nhập siêu, đẩy nền kinh tế nước này đến bờ vực suy thoái nghiêm trọng.
Và theo IMF, chính thu nhập từ “xuất khẩu vô hình” văn hóa mang tên The Beatles - ra đời vào năm 1960 tại TP Liverpool của Anh - có được từ việc bán vé quốc tế, phí xuất hiện, tiền bản quyền…, được tính bằng đồng USD, đồng Mark Đức và đồng yen, đã giúp cân bằng cán cân thương mại của Anh thời điểm đó, ngăn chặn sự mất giá của đồng bảng Anh.
Ngày nay, Beatlemania - cộng đồng cuồng mộ The Beatles - được cho vẫn mang về khoảng 82 triệu bảng mỗi năm cho nền kinh tế Liverpool và hỗ trợ hơn 2.000 việc làm địa phương - theo số liệu của Hội đồng TP Liverpool cũng ước tính rằng việc tham gia tổ chức cuộc thi ca nhạc Eurovision năm nay, thay cho Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá, có thể mang lại 40 triệu bảng Anh cho TP cảng này.
Theo một nghiên cứu chính thức từ NAA - cơ quan tập hợp 23 sân khấu sự kiện trong nhà lớn nhất ở Vương quốc Anh và Ireland, cứ 10.000 khán giá mua vé tham gia một buổi biểu diễn thì sẽ đóng góp 1 triệu bảng (khoảng 1,37 triệu USD) vào nền kinh tế địa phương tổ chức.
Ở cấp độ quốc gia, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đặc biệt chú trọng xuất khẩu, với K-pop (Korean Pop - nhạc pop Hàn Quốc) đang trở thành hiện tượng toàn cầu. K-pop hiện đóng góp 10 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc, trong đó ban nhạc nam 7 thành viên BTS chiếm khoảng 3,54 tỷ USD.
Theo ước tính của Viện Văn hóa & Du lịch Hàn Quốc, với mỗi buổi biểu diễn tại quê nhà, “gà đẻ trứng vàng” BTS sẽ tạo ra giá trị kinh tế tối đa 1 nghìn tỷ won (khoảng 760 tỷ USD).
Nhưng chính điều này đã làm dấy lên loạt báo động với nền kinh tế nước này khi các thành viên của BTS đang lần lượt bắt đầu quá trình nhập ngũ 2 năm theo nghĩa vụ quân sự quốc gia, khiến hoạt động của nhóm gần như bị đóng băng. Trong bối cảnh đó, bộ tứ nữ BLACKPINK nổi lên và đang được kỳ vọng sẽ là trụ cột mới của nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc.
Với các buổi biểu diễn kín sân vận động Foro Sol ở TP Mexico hồi đầu năm nay, chuyến lưu diễn thế giới Born Pink của BLACKPINK đã phá vỡ mọi kỷ lục để trở thành buổi hòa nhạc có doanh thu cao nhất của một nhóm nhạc trong lịch sử, khi thu về gần 10 triệu USD mỗi đêm.
Thành tích “cháy vé” khắp châu Mỹ, châu Âu và châu Á của Born Pink cũng giúp BLACKPINK trở thành nhóm nhạc nữ có chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất tính đến thời điểm hiện tại, vượt qua kỷ lục trước đó của huyền thoại một thời Spice Girls.
Để không chỉ trông vào văn hóa ngoại nhập
Rõ ràng, khi các quốc gia và khu vực tìm cách thiết lập các chính sách phục hồi kinh tế, cũng như tạo ra các nền kinh tế bền vững về mặt xã hội, ít khai thác tài nguyên môi trường hơn, âm nhạc và văn hóa nói chung được công nhận là một con đường khả thi.
Cuối năm ngoái, cơ quan Kinh tế Sáng tạo của Thái Lan đã đưa ra một chiến lược cạnh tranh, đặt mục tiêu theo thời gian sẽ vượt qua K-Pop của
Hàn Quốc để trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu. Theo giám đốc Chakrit Pichyangkul, chiến lược này là nhằm toàn cầu hóa văn hóa đại chúng Thái Lan, thông qua việc thúc đẩy 3 trụ cột chính gồm: con người, DN và điểm đến.
Đáng chú ý, một trong những dự án đầu tiên của Thái Lan là một phòng thí nghiệm văn hóa ảo metaverse, với tiêu chí là bảo đảm bất cứ điều gì được thực hiện trong cuộc sống thực đều có thể được trải nghiệm trực tuyến tại đó. Đây cũng là một chiến lược mà các hãng thu âm và công ty giải trí Hàn Quốc đã triển khai trong hơn một thập kỷ qua.
Cùng lúc đó, cách nửa vòng trái đất là Zimbabwe - quốc gia cũng đã công bố chiến lược âm nhạc được UNESCO hỗ trợ, nhằm phát triển các nghệ sĩ và quyền sở hữu trí tuệ âm nhạc, thúc đẩy GDP của đất nước và tạo thêm việc làm mới.
Ở đó, mục tiêu đã nêu của Chính phủ là phát triển ngành công nghiệp âm nhạc bền vững và “sử dụng âm nhạc như một công cụ để nâng cao hình ảnh của đất nước, đồng thời khai thác cộng đồng người Zimbabwe hải ngoại để tiêu thụ và đầu tư vào lĩnh vực này”.
Để hiểu, K-Pop là tiên phong dẫn đầu, nhưng tương lai thế giới cũng có thể “phát cuồng” vì những T-Pop, Z-Pop, hay thậm chí là V-pop nếu được định hướng bài bản. Nhưng trước hết cần xác định, âm nhạc là một khoản đầu tư dài hạn, như những gì Hàn Quốc đã chứng minh.
Mãi đến khi bản hit Gangnam Style của nam ca sĩ Psy khuấy đảo toàn cầu vào năm 2012 thông qua Youtube, rất ít nghệ sĩ Hàn Quốc trước đó thành công ở nước ngoài. Đó là kết quả thu được sau 15 năm ròng rã triển khai chính sách và đầu tư ban đầu, được Seoul đưa ra để phát triển âm nhạc cũng như phủ sóng văn hóa Hàn Quốc cho khán giả quốc tế.
“K-Pop là một chiến lược có chủ ý, đồng bộ và thông suốt từ trên xuống dưới, phù hợp với nhiều lợi ích tập thể - thúc đẩy đầu tư, quảng bá du lịch, tiến bộ giáo dục và sức mạnh mềm” - tiến sĩ Shain Shapiro, giám đốc điều hành của Trung tâm Hệ sinh thái Âm nhạc ở Anh, bình luận - “Chiến lược của Hàn Quốc đã mất vài thập kỷ để đơm hoa kết trái, và phải chịu đủ mọi áp lực từ các cuộc khủng hoảng tài chính”.
Nhưng ngay cả ở những quốc gia chưa thực sự đầu tư lớn cho nền công nghiệp văn hóa, tiềm năng để một nghệ sĩ bản địa định hình vai trò của họ trong nền tài chính quốc gia là không phải không có.
Chẳng hạn, Thụy Điển đã từng nhiều lần trao giải thưởng cho ban nhạc lừng danh ABBA vì những đóng góp của nhóm vào xuất khẩu quốc gia. Nhóm rock U2 cũng từng là một trong 3 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Ireland vào những năm 1990, trước sự bùng nổ kinh tế đã mang đến cho quốc gia này biệt danh là “con Hổ vùng Celtic”.