Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm bớt căng thẳng trong thời điểm khó khăn

TS Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch, thiên tai, suy thoái kinh tế, mất mát người thân và đối với nhiều người là mất việc làm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của họ.


GS.TS Kerry Ressler, Trường Y Harvard, cho biết: “Căng thẳng đặc biệt nghiêm trọng khi bạn gặp phải một tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Bạn có thể cảm thấy bế tắc, đông cứng hoặc bất lực. Ngay cả khi mọi thứ lắng xuống, bạn vẫn khó có thể tiếp tục và lấy lại cảm giác bình thường”.

Vì vậy, làm thế nào có thể giảm căng thẳng và lấy lại thăng bằng sau khi trải qua khoảng thời gian tồi tệ?

Tránh các thông tin tiêu cực: khi các sự kiện đau buồn đang xảy ra, cho dù đó là thảm họa thiên nhiên, đại dịch, chúng ta cần phải cập nhật tin tức, nhưng đồng thời tránh tự làm mình bị tổn thương bằng cách đắm chìm trong tin tức suốt ngày đêm.

Hạn chế thời gian ngồi trước màn hình hoặc đọc về các sự kiện trong ngày. Mục tiêu là cập nhật thông tin mà không làm tăng mức độ lo lắng của bạn.

Hãy hành động: TS Ressler nói: “Những gì chúng tôi biết được từ nghiên cứu là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến lo lắng là cảm giác bất lực, khi mọi thứ dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Để lấy lại một số quyền kiểm soát, hãy tham gia vào các hoạt động có thể giúp đỡ người khác hoặc giải quyết tình huống.

Ngay cả việc giúp đỡ một người bạn hoặc một người hàng xóm gặp khó khăn cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy mình đang đóng vai trò chủ động chứ không phải bị động khi đối mặt với sự không chắc chắn. Nếu bị mất việc, hãy học một kỹ năng mới mà bạn luôn muốn thành thạo, ví dụ học một ngôn ngữ mới".

Vươn ra: kết nối xã hội là rất quan trọng trong các tình huống khó khăn. Nếu bạn không thể gặp trực tiếp mọi người, thì hãy kết nối với các ứng dụng và công nghệ, chẳng hạn như hội nghị truyền hình hoặc thậm chí là một cuộc gọi điện thoại đơn giản.

Nhìn sự vật một cách tích cực: bằng chứng cho thấy suy nghĩ tích cực và khả năng điều chỉnh lại tình huống theo hướng tích cực hơn có thể giúp mọi người trở nên kiên cường hơn khi đối mặt với các vấn đề. Tìm kiếm khía cạnh tích cực bất cứ khi nào bạn có thể. Ví dụ, mất việc làm có thể dẫn đến những cơ hội mới.

Kiên nhẫn: cho phép bản thân có thời gian để đau buồn, nhưng cuối cùng hãy cố gắng sẵn sàng để vượt qua nó. Tiến sĩ Ressler nói: “Bạn có thể tập thói quen đau buồn.Vì vậy, hãy đặt ra những mục tiêu nhỏ. Sử dụng các chiến lược như hít thở sâu, chánh niệm, trị liệu bằng hương thơm và hoạt động thể chất để giảm lo lắng và bắt đầu thúc đẩy bản thân tiến về phía trước".

Tìm kiếm sự giúp đỡ nếu trầm cảm: các triệu chứng trầm cảm trùng lặp với các triệu chứng căng thẳng và đau buồn thông thường. Nhưng nếu bạn bắt đầu trải qua những thay đổi đáng kể về cảm giác thèm ăn, năng lượng hoặc động lực, hoặc nếu bắt đầu buồn bã mà không biết tại sao và những triệu chứng này kéo dài hơn 1 - 2 tuần thì đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo bạn đang trầm cảm. Lúc này bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế.

TS Ressler nói: “Nếu bạn có một khoảng thời gian buồn bã kéo dài hơn một vài tuần và nó thực sự cản trở bạn tiếp tục hoặc hoạt động tại nơi làm việc hoặc ở nhà, thì bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn cho thuốc nếu cần”.