Trì hoãn xuất khẩu LNG, Mỹ toan tính gì?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính quyền Tổng thống Joe Biden mới đây thông báo tạm dừng quá trình cấp phép đối với một số dự án xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), bao gồm cả cơ sở sẽ là kho xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai ở Mỹ.

Thay đổi đáng chú ý

Theo thông báo ngày 26/1 của Nhà Trắng, Mỹ “tạm dừng các quyết định đang chờ xử lý về xuất khẩu LNG sang các quốc gia không thuộc FTA cho đến khi Bộ Năng lượng có thể cập nhật các phân tích cơ bản để cấp phép”.

Điều đó có nghĩa là động thái này sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu từ 8 kho cảng xuất LNG đang hoạt động ở Mỹ - quốc gia đã xuất khẩu trung bình 323 triệu mét khối LNG mỗi ngày trong năm 2023. Lệnh mới chỉ áp dụng cho các đơn muốn xuất khẩu sang các quốc gia không có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, bao gồm hầu hết châu Âu và châu Á. Hiện tại có 4 trạm xuất khẩu LNG đang được Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang Mỹ xem xét.

Cũng theo Nhà Trắng, bất chấp lệnh tạm dừng này, xuất khẩu LNG của Mỹ vẫn được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, họ sẽ tận dụng thời gian này để kiểm tra các đơn xin cấp phép xuất khẩu LNG với dữ liệu mới hơn nhằm đảm bảo xuất khẩu tiềm năng phục vụ lợi ích của quốc gia, khi tính đến nhu cầu năng lượng, an ninh và môi trường trong nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mặc dù việc tạm dừng có phạm vi hẹp, quyết định dừng một số giấy phép LNG mới của chính quyền Biden được đánh giá là một sự thay đổi so với những người tiền nhiệm. Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã cấp giấy phép xuất khẩu LNG đầu tiên vào năm 2011, và đến thời cựu Tổng thống Donald Trump, xuất khẩu LNG của Mỹ đã tăng hơn 4 lần.

Các nhà hoạch định chính sách và ngành công nghiệp khí đốt từ lâu đã mơ ước biến Mỹ thành “Ả Rập Saudi về khí đốt tự nhiên”. Điều đó có nghĩa là Mỹ phải trở thành một quốc gia có nguồn tài nguyên đủ dồi dào để thống trị thị trường toàn cầu, và thúc đẩy LNG đóng vai trò là “đòn bẩy ngoại giao”, giống như dầu mỏ của Ả Rập Saudi. Chính quyền Trump từng công khai mục đích sử dụng khí đốt tự nhiên để “giải phóng sự thống trị về năng lượng của Mỹ”.

Mỹ hiện là nước sản xuất dầu và khí tự nhiên lớn nhất thế giới, nhưng đây cũng là nước tiêu thụ những loại nhiên liệu này lớn nhất thế giới. Nghĩa là không giống như Ả Rập Saudi, Mỹ có nhu cầu rất lớn cho hoạt động sản xuất của chính mình. Ngoài ra, dầu mỏ của Ả Rập Saudi được kiểm soát bởi một công ty do Chính phủ điều hành, giúp Riyadh dễ dàng bật và tắt các vòi khi thấy phù hợp, trong khi Mỹ không có công ty khí đốt quốc gia. Mặc dù Chính phủ Mỹ có thể kiểm soát xuất khẩu nhưng lại không thể quyết định giá cả.

Đồng thời, chính quyền Biden đã cam kết cắt giảm lượng khí thải nhà kính của Mỹ xuống từ 50 - 52% so với mức năm 2005 vào năm 2030, nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn bộ nền kinh tế vào năm 2050. Vì vậy, mặc dù Mỹ hiện có nguồn tài nguyên năng lượng khổng lồ mà nước này có thể dễ dàng khai thác, nhưng việc sử dụng nó như một công cụ kinh tế và đàm phán ở nước ngoài lại không hề dễ dàng.

Tác động tới môi trường

Nhà Trắng giải thích lệnh tạm dừng mới là động thái giúp Mỹ đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu, trong khi câu hỏi rằng LNG có tốt hơn cho khí hậu so với các lựa chọn khác hay không vẫn còn là chủ đề được tranh luận gay gắt.

Theo một ước tính, việc vận chuyển LNG của Mỹ tới Trung Quốc đã làm giảm cường độ phát thải khí nhà kính - lượng khí nhà kính thải ra trên một đơn vị năng lượng - tới 57%. Các phân tích khác cũng phát hiện ra rằng các quốc gia nhập khẩu LNG sản xuất điện với lượng khí thải thấp hơn so với than địa phương. Và việc có nhiều khí đốt giá rẻ hơn trên thị trường toàn cầu được kỳ vọng có thể giảm bớt động lực xây dựng các nhà máy điện than mới ở một số quốc gia.

Tuy nhiên, một số nhà hoạt động môi trường cho rằng điều này đang vẽ ra một bức tranh quá lạc quan. Vì được tạo thành chủ yếu từ khí mê-tan nên LNG cháy sạch hơn than đá, tạo ra khoảng một nửa lượng khí thải nhà kính so với đốt than. Nhưng LNG cuối cùng vẫn là nhiên liệu hóa thạch góp phần làm Trái đất nóng lên, và mỗi trạm khí đốt, tàu chở dầu vận chuyển và nhà máy điện mới đều cho thấy lượng khí thải này sẽ tiếp tục gia tăng trong nhiều thập kỷ nữa.

Ở Mỹ, hầu hết khí tự nhiên được sản xuất bằng phương pháp nứt gãy thủy lực đá phiến, giải phóng khí bị mắc kẹt trong đá. Khí này sau đó được gửi bằng đường ống đến các nhà máy điện hoặc các cơ sở trong khu vực và từ đó chảy đến các hộ gia đình, DN và cơ sở công nghiệp. Khoảng 40% khí đốt tự nhiên ở Mỹ dùng để sản xuất điện, hiện chiếm 40% tổng lượng điện.

Thách thức với khí tự nhiên là nó chiếm nhiều thể tích, gây khó khăn cho việc vận chuyển ra nước ngoài, ít nhất là ở dạng khí. Để gửi khí tự nhiên ra nước ngoài, các nhà sản xuất thay vào đó phải làm lạnh nó xuống âm 127oC, biến nó thành chất lỏng có thể tích nhỏ hơn 600 lần.

Nhưng cần rất nhiều năng lượng để hóa lỏng khí, bơm nó vào tàu chở dầu, băng qua đại dương và sau đó biến nó trở lại thành khí ở đầu ra. Vì vậy, chi phí tổng thể cao hơn, tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn hơn và lượng năng lượng ròng được cung cấp từ LNG lại thấp hơn so với khí tự nhiên thông thường. Chẳng hạn, ước tính đối với một quốc gia nhập khẩu khí đốt tự nhiên như Vương quốc Anh, LNG có lượng khí thải nhà kính lớn gấp 4 lần so với khí đốt được khai thác trong nước.

Ngoài ra, LNG cũng yêu cầu các cơ sở xuất nhập khẩu chuyên dụng. Ở Mỹ, có thể mất từ 3 - 5 năm để xây dựng một kho cảng xuất khẩu LNG sau khi được phê duyệt. Đức cũng đã cố gắng xây dựng một cơ sở nhập khẩu trong 200 ngày khi nước này cố gắng lấp đầy sự thiếu hụt khí đốt sau khi đóng các van từ Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.

Hoạt động xuất khẩu LNG của Mỹ cũng đang làm gia tăng căng thẳng với các ngành công nghiệp trong nước đang khao khát sử dụng nó làm nguyên liệu thô, nhằm sản xuất các hóa chất như hydro và làm nhiên liệu để sản xuất các mặt hàng như thép. Một số công ty bày tỏ lo ngại rằng xuất khẩu khí đốt nhiều hơn sẽ gây tổn hại cho nguồn cung trong nước và làm tăng giá khí đốt tự nhiên của Mỹ.

Cũng đã có những nhận định rằng chính quyền Biden đang thúc đẩy lệnh tạm dừng này nhằm “ghi điểm” trong mắt cử tri quan tâm đến khí hậu, trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.

Một số nhà hoạt động hy vọng lệnh tạm dừng cuối cùng sẽ dẫn đến việc từ chối các giấy phép đối với các cơ sở LNG mới. Caleb Heeringa, giám đốc chương trình của Dự án rò rỉ khí đốt - một nhóm vận động chống lại khí đốt tự nhiên, nói với Vox: “Đây là một bước quan trọng. Nếu đánh giá trung thực về tác động của các cơ sở này thì khó có thể đưa ra kết luận rằng nó có lợi cho cộng đồng”.

Tuy nhiên, một số người cho rằng việc trì hoãn chỉ nhằm “câu giờ”, và cuối cùng các lực lượng thị trường sẽ giành chiến thắng. Jason Feer, người đứng đầu bộ phận phân tích kinh doanh tại Poten & Partners - một công ty tư vấn dầu khí - bình luận: “Quyết định tạm dừng cấp phép của Mỹ dường như có liên quan rất nhiều đến chính trị bầu cử ngắn hạn. Hãy chờ đến tháng 1/2025, bất kể ai thắng cử, rất có thể mọi thứ sẽ tăng tốc trở lại”.