Đầu tư bến bãi đỗ xe Hà Nội - mở hành lang chính sách, đón nguồn vốn tư nhân

Bài cuối: Tối giản thủ tục, thân thiện với nhà đầu tư

Ngọc Hải - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những khó khăn vướng mắc lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông tĩnh hiện nay là khâu thủ tục hành chính.

Bài 1: “Mỏ vàng” chờ đánh thức

Bài 2: Nguồn lực bế tắc, dự án lay lắt

Bài 3: Đảm bảo an toàn, hiệu quả cho đồng vốn

Các nhà đầu tư mong muốn cơ quan chức năng nêu cao hơn nữa vai trò định hướng, hỗ trợ, mở ra hành lang thực sự thông thoáng để DN tiếp cận với các dự án thuận lợi nhất.

Trông đợi “người dẫn đường”

Giám đốc Công ty CP Thương mại & Dịch vụ Tâm Thành Phát Bùi Minh Tâm chia sẻ, đối với nhiều DN nói chung và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giao thông tĩnh nói riêng, một trong những khó khăn lớn nhất là khâu thủ tục hành chính. Từ việc tìm hiểu thông tin quy hoạch, lập dự án cho đến chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ đều rất phức tạp, phải làm đi làm lại nhiều lần. “Một phần nguyên nhân do cần quá nhiều thủ tục, liên quan đến không ít sở, ban ngành. Phần khác do DN phải tự mò mẫm, vai trò hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan chức năng chưa rõ rệt” - ông Bùi Minh Tâm nói.

Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng Trần Hồng Phong cho biết: “Có những lúc đợi được thủ tục thì đã lỡ mất công việc, cơ hội trôi qua không thể lấy lại được”.

Ông Trần Hồng Phong dẫn chứng, mới đây Công ty Minh Hằng có làm thủ tục xin cấp phép trông giữ xe trên một tuyến phố thuộc địa bàn một quận nội thành. Đơn xin cấp phép gửi Sở GTVT Hà Nội cần có xác nhận của UBND phường về việc tuyến phố nêu trên nằm trên địa bàn và đã đủ điều kiện cấp phép. Sau rất nhiều ngày chờ đợi, khi có được xác nhận của địa phương, đơn vị mới nhận được thông tin, tuyến phố này đã được... cấp phép cho công ty khác khai thác dịch vụ trông giữ xe.

Một điểm trông giữ xe ô tô trên phố Giảng Võ. Ảnh: Thanh Hải
Một điểm trông giữ xe ô tô trên phố Giảng Võ. Ảnh: Thanh Hải

Nhiều DN còn cho biết, khối lượng giấy tờ khi thực hiện một dự án giao thông tĩnh có tính chất phức tạp như bãi đỗ xe ngầm hay nổi vô cùng lớn, liên quan đến các lĩnh vực: Giao thông, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, môi trường... Để hoàn thiện đầy đủ thủ tục phải mất cả năm trời, có khi còn kéo dài hơn nữa nếu phải thay đổi, điều chỉnh.

Đây chính là một trong những rào cản lớn nhất, ngăn dòng vốn xã hội hóa đổ vào hạ tầng giao thông tĩnh. Ông Bùi Minh Tâm bày tỏ: “Chúng tôi rất mong khối lượng thủ tục, giấy tờ được cắt giảm để rút ngắn khâu chuẩn bị thực hiện các dự án.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần nêu cao vai trò “người dẫn đường”, chỉ vẽ, hỗ trợ DN trong suốt quá trình thực hiện đầu tư”. Mặt khác, cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự tạo được sự gần gũi, thân thiện với DN, chưa thể hiện rõ vai trò kiến tạo, trao cơ hội cho DN.

Giàn đỗ xe cao tầng bằng thép trên phố Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Việt Linh
Giàn đỗ xe cao tầng bằng thép trên phố Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Việt Linh

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, DN vẫn còn tư tưởng phải đi xin khi muốn đầu tư khai thác các dự án giao thông tĩnh. Hệ thống chính trị chưa tạo nên tâm lý được chào đón, được phục vụ cho DN. Trong khi họ là những người bỏ tiền ra và ngoài lợi ích cho DN còn có cả lợi ích cho cộng đồng xã hội. Điều đó là bất hợp lý.

Lãnh đạo Chính phủ và TP Hà Nội đều đang nỗ lực xây dựng hình ảnh chính quyền kiến tạo, trải thảm đỏ mời gọi đầu tư vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thế nhưng bộ máy chức năng bên dưới lại khá rời rạc, thiếu đồng bộ. Nhiều khi DN không biết phải gặp ai trước, xin thủ tục gì trước, như vậy đã đầy đủ hay chưa. Có lúc đi xin cấp phép trông giữ xe không biết phải đến Sở GTVT hay UBND quận, huyện sở tại, khiến DN bối rối.

Trong khi đó, các bến, bãi xe lậu tràn lan khắp nơi, khiến không ít DN nảy sinh tâm lý “làm trước xin sau”, gây nhiều hệ lụy cho các địa phương, ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Bùi Minh Tâm bộc bạch: “Bất cứ DN nào cũng muốn làm ăn chân chính, ổn định. Nếu thủ tục xin đầu tư, cấp phép khai thác vào bến, bãi, điểm trông giữ xe đơn giản, dễ dàng chắc chắn không DN nào muốn làm “phủi”, làm “lậu”, vừa bất ổn vừa xấu đi hình ảnh DN”.

Cần thay đổi chiến lược

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, tính chất phức tạp của thủ tục đầu tư các dự án tỷ lệ thuận với quy mô đầu tư. Dự án càng lớn càng nhiều giấy tờ, càng cần cơ quan chức năng nhiệt tình hỗ trợ DN. Tuy nhiên cũng cần hết sức thông cảm cho cơ quan chức năng do nhân sự có hạn mà khối lượng công việc quá lớn, khó có thể sát sao với từng DN.

Trong bối cảnh nhu cầu về bến, bãi, điểm trông giữ xe bức thiết như hiện nay, Hà Nội cần nghiên cứu, thay đổi chiến lược kêu gọi đầu tư cũng như công tác quản lý. TP phải chủ động kêu gọi, mời chào nhà đầu tư bằng những tín hiệu thiết thực, tích cực như lập, công bố công khai danh sách dự án, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường nhân sự hướng dẫn, hỗ trợ DN...

Nhiều chuyên gia cho rằng, với những lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng cần đánh thức và khai thác như giao thông tĩnh, Hà Nội có thểm xem xét thành lập một trung tâm xúc tiến đầu tư. TP đã có một số trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch... phát huy vai trò, hiệu quả không nhỏ. Đây là đầu mối quan trọng tiếp nhận, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho nhà đầu tư, giúp TP đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực còn tới 90% trữ lượng khai thác này.

Hiện các dự án hạ tầng giao thông tĩnh tùy theo quy mô, tính chất được phân chia cho Sở GTVT hoặc UBND quận, huyện tổ chức đấu thầu lựa chọn, nhưng thủ tục liên quan vẫn phải được cả các sở chuyên ngành lẫn địa phương thẩm định, đồng thuận. Có thể xem xét giảm bớt một lớp thủ tục bằng cách giao hẳn cho một đơn vị đầu mối phê duyệt tất cả. Đơn vị đầu mối này có trách nhiệm tự liên hệ với các sở, ban ngành địa phương để thẩm định dự án, hướng dẫn DN chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ...

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng cần liên tục mở các hội nghị xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực giao thông tĩnh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN, phổ biến các quy định của pháp luật và kết nối DN với các đơn vị cung cấp công nghệ, khoa học hiện đại phù hợp, qua đó định hướng ngay từ đầu, ưu tiên cho các dự án giao thông thông minh.

Trên thực tế, quy hoạch giao thông tĩnh của Hà Nội đang bế tắc từ rất nhiều hướng, nhưng chủ yếu vẫn là thiếu một hành lang để khơi thông nguồn vốn xã hội hóa. Các DN và cả người dân đều đang rất mong chờ một chiến lược thúc đẩy đầu tư mới của TP, nhằm sớm hoàn thiện hệ thống bến, bãi, điểm trông giữ xe đã nằm trên giấy từ rất lâu.

 

"Giữa cơ quan chức năng và DN rất cần một cầu nối như các hiệp hội DN, nghề nghiệp chẳng hạn. Hiệp hội sẽ hỗ trợ DN tiếp cận thông tin, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Ngược lại, hiệp hội cũng giúp chính quyền TP thẩm định năng lực của các DN." - Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần